Do vậy, cần chỉ rõ những bất hợp lý từ những quy hoạch cũng như sai phạm mà các dự án khai thác Titan đã, đang và sẽ gây ra cho Bình Thuận. Nhìn từ góc độ khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản sẽ giúp hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề này để tìm ra hướng giải quyết, rà soát và điều chỉnh lại Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng Titan.
Cân nhắc việc khai thác, chế biến quặng Ti-Zn ở Bình Thuận, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Trung Thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho biết, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến thay đổi địa hình bởi khi khai thác lộ thiên Titan (đào hố sâu, đổ cát thải thành đống) sẽ mất cân bằng về địa hình; lớp cát lẫn sét trên tầng khai thác bị nóng khô sẽ bay về phía Tây.
Nếu khai thác đồng loạt trên diện rộng thì cát do gió chuyển về phía Quốc lộ 1A lấp ruộng, vườn, nhà dân giống như đã xảy ra ở Quảng Bình. Nước ngầm trong cồn cát là tài nguyên hữu hạn, nguồn bổ sung duy nhất là nước mưa; dòng chảy mặt rất ít, chỉ là tạm thời. Cồn cát chỉ có nước đi mà không có nước đến, do vậy không nên khai thác quá ngưỡng phục hồi nước ngầm.
Hơn nữa, ở Bình Thuận, trường phóng xạ TB trên cồn cát đỏ Bình Thuận tương đương 1mSv/năm. Quặng Titan tại Bình Thuận chứa nhiều Monasit, Zircon, do đó độ phóng xạ ắt sẽ cao hơn nhiều. Ô nhiễm do phóng xạ, một loại hình ô nhiễm không nhìn thấy, con người không cảm nhận được, nhưng lại rất nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng.
Ví dụ, ở các xã Hồng Phong, Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, quan trắc môi trường cho thấy hoạt độ phóng xạ Alpha, Bêta trong các mẫu nước thải, nước ngầm, nước biển ven bờ cao hơn so với quy chuẩn từ 3 - 9 lần. Số liệu đo xạ ở Bình Thuận còn quá ít, nên cần có chuyên đề nghiên cứu về phóng xạ tại các xí nghiệp chế biến quặng Titan. Nếu khai thác xuống hết tầng quặng thì mở rộng đường kính moong mỏ, dẫn đến nước bốc hơi nhiều, mực nước ngầm hạ thấp, còn nếu chỉ khai thác đến 40m thì tổn thất tài nguyên rất lớn.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Trung Thuận cho rằng, hiện phương án tốt nhất là tạm dừng quy hoạch khai thác Titan trong cồn cát đỏ Bình Thuận cho đến khi những vấn đề về môi trường (tự nhiên và xã hội) có được phương án xử lý tốt, các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục, tuyển luyện được Titan kim loại; giá thành sản phẩm Titan phải thấp hơn giá thị trường thế giới.
Theo ông Đình Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, để tránh hậu quả lâu dài, trước mắt khai thác và chế biến Titan không hiệu quả vì chưa có công nghệ hiện đại, chưa có chế biến sâu. Thời gian qua, doanh nghiệp khai thác chỉ bán nguyên liệu thô, làm theo kiểu “ăn xổi”, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương quản lý lỏng lẻo, doanh nghiệp trốn thuế, địa phương không thu được gì nhiều, số tiền thuế thu được nếu đem chi phí san lấp mặt bằng, hoàn thổ trồng lại cây như trước khi khai thác có thể vẫn không đủ.
Hơn nữa, Trung ương cũng chỉ đạo “không có chế biến sâu thì không nên khai thác”, chủ trương đó rất đúng vì nguồn tài nguyên không tái tạo, việc khai thác gây thiệt hại nhiều mặt nhất là môi trường sinh thái cũng quá rõ ràng. Chính vì vậy, cần tiến hành thanh tra toàn diện, có kết luận công khai từ quy hoạch, thăm dò, điều tra trữ lượng, cấp giấy phép khai thác, tổ chức và giám sát khai thác, tiêu thụ hiệu quả kinh tế, tác hại môi trường trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng khai thác quặng Titan ở Bình Thuận cho đến khi bảo đảm các điều kiện như phân tích ở trên, thì mới tiến hành khai thác lại. Tài nguyên đất nước còn đó, nếu thế hệ này chưa làm thì thế hệ sau với sự phát triển và tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất định sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn.
Trái ngược với quan điểm trên, Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược và Khoa học công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam lại cho rằng, không nên dừng thực hiện Quy hoạch Titan. Trước hết nói về vĩ mô, Titan là một trong số rất ít kim loại được coi là rất đặc biệt. Trên thế giới, người ta dựa vào quy mô và mức độ sử dụng các sản phẩm của Titan là Titan kim loại (Ti) và pigment (TiO2) để đánh giá trình độ phát triển công nghiệp (quốc phòng và vũ trụ) và tốc độ phát triển nền kinh tế. Thực tế cho thấy, sử dụng Titan kim loại, lớn nhất là Mỹ và Nga, còn sử dụng Pigment lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Điều đó có nghĩa, muốn phát triển công nghiệp công nghệ cao và phát triển nền kinh tế, Việt Nam rất cần Titan kim loại và Pigment.
Về cơ bản, không chỉ đối với Bình Thuận, kể cả đối với các tỉnh khác, khi được “trời ban cho duy nhất chỉ một lần” (như Các Mác nói về tài nguyên khoáng sản) nguồn tài nguyên Titan như vậy thì nên khai thác. Vấn đề là khai thác như thế nào? quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tổng thể trên một địa bàn cụ thể phải được lập bài bản. Điều bất cập nhất trong các quy hoạch ở Việt Nam là chỉ quy hoạch trong không gian 2 chiều (trên mặt đất).
Quy hoạch các đô thị ở các nước phải bắt đầu từ dưới lên trên (từ tầng chứa nước ngầm, tầng thoát nước, tầng giao thông vận tải ngầm, tầng cấp điện ngầm, tầng cấp nước ngầm rồi lên mặt đất). Đối với vùng và lãnh thổ cũng vậy, phải quy hoạch từ tầng chứa tài nguyên khoáng sản dưới đất lên mặt đất. Ví dụ, ở các nước quy định các hồ thủy điện hay các công trình bề mặt không được thiết lập bên trên các khoáng sản chưa khai thác, hoặc phải khai thác trước khi xây dựng các công trình vĩnh cửu bên trên.
Ở Bình Thuận, trước mắt cần xử lý vấn đề “chồng lấn” giữa Titan với du lịch và năng lượng sạch. Đây là vấn đề rất đơn giản vì tầng chứa Titan ở ven biển Việt Nam chỉ có bề dầy (chiều sâu kể từ mặt đất) khoảng 100-120m, nhưng kéo dài dọc bờ biển hàng trăm cây số. Nếu việc khai thác Titan được tiến hành theo kiểu “cuốn chiếu” sẽ giải phóng được mặt bằng vĩnh viễn cho các dự án du lịch, hoặc năng lượng, đồng thời vẫn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Trong 3 ngành (du lịch, Titan và năng lượng sạch) được coi là thế mạnh của Bình Thuận, thì khả năng đóng góp vào GDP cho tỉnh cao nhất (tính theo qui định) chính là Titan. Lĩnh vực du lịch có giá trị gia tăng rất thấp, còn điện mặt trời hay điện gió chỉ tạo thêm việc làm ở nước ngoài thôi.
Vấn đề nữa là “môi trường” cũng có thể xử lý theo hướng tích cực, cụ thể là công nghệ khai thác Titan sẽ thải ra tới 99,5% khối lượng chất thải dưới dạng cát (chiếm 90% về khối lượng) và bùn sét (khoảng 10%). “Nếu biết cách làm, cát thải ra ở Bình Thuận có thể thay thế cho các loại cát xây dựng đang được khai thác làm sạt lở bờ sông ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, hoặc dùng để tôn tạo các hòn đảo ở ngoài khơi. Về lâu dài, để phát triển bền vững và có hiệu quả, kêu gọi được các nhà đầu tư, Bình Thuận phải dựa trên “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi”. Theo sách giáo khoa của Trường Quản trị Kinh doanh Tuck School thuộc Đại học Dartmouth của Mỹ, thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của Bình Thuận là Titan (đáp ứng đủ 100% tiêu chí)”, ông Sơn chia sẻ.