Tăng thuế thuốc lá không chỉ giúp giảm lượng người hút thuốc mà còn không gây ra tình trạng buôn lậu thuốc lá. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Việt/TTXVN |
Đây là ý kiến của các chuyên gia kinh tế và sức khỏe tại Hội thảo “Thuế thuốc lá: Nên tăng hay giảm thuế suất”, do Liên minh Công bằng thuế phối hợp với Oxfam (Liên minh quốc tế của 20 tổ chức làm việc tại 90 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8/5.
Theo các chuyên gia, hiện nay, để cơ cấu lại các nguồn thu ngân sách trong bối cảnh thuế xuất nhập khẩu và nguồn thu từ dầu thô ngày càng giảm, Bộ Tài chính đang sửa đổi một loạt các luật thuế; trong đó có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Một trong những nội dung đáng chú ý của luật thuế này là chính sách thuế cho mặt hàng thuốc lá.
Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Phương án 1 là áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 10.000 đồng/một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ ngày 01/01/2020.
Phương án 2 là tăng thuế suất thuế theo lộ trình. Theo đó, từ ngày 01/01/2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 01/01/2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%.
Theo giảng viên Bộ môn Kinh tế học Trường Đại học Thương mại Đào Thế Sơn, nên thu thuế suất theo thuế tuyệt đối vì theo cách thu này có rất nhiều ưu điểm, nhưng mức thuế suất cần cao hơn.
Ưu điểm của thuế tuyệt đối là giảm chênh lệch giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá và giảm những sản phẩm thuốc lá giá rẻ, giúp giảm sự tiếp cận và sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên; giảm nguy cơ chuyển giá giữa nhà sản xuất và các công ty phân phối; dễ quản lý và dễ dự đoán về mức thu ngân sách từ thuế.
Ông Sơn cho rằng, mức đề xuất thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc là thấp. Vì mức này mới chỉ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc đi 1,5%, trong khi chúng ta cần giảm 6,5% theo mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020.
Theo đó, đến năm 2020, cần giảm số lượng nam giới hút thuốc xuống còn 39%, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15- 24 tuổi hút thuốc là 18%.
Để việc tăng thuế giúp đạt được mục tiêu của chiến lược quốc gia thì thuế thuốc lá cần tăng đủ cao để có thể tác động làm giảm 3% (tuyệt đối) tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Cụ thể, từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao.
Theo ông Đào Thế Sơn, hiện nay, mức thuế và giá ở Việt Nam còn rất thấp, vì vậy Việt Nam nên cân nhắc một mức thuế cao hơn nữa.
Ông Sơn cho rằng, mức thuế tối ưu Việt Nam nên áp dụng là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 5.000 đồng/ bao. Cụ thể đề xuất sẽ là từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao.
Theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia về phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm của Văn Phòng Tổ chức Y tế thế giới (WTO) tại Việt Nam thông tin, theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ giảm hút thuốc ở người nghèo và lớp trẻ cũng chiếm cao hơn. Cụ thể, khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc.
Lợi ích của tăng thuế thuốc lá sẽ là tăng thu ngân sách. Theo Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi tăng thuế thuốc lá 10% sẽ làm tăng thu thuế chính phủ trung bình khoảng 7%.
Ông Lâm cho rằng, việc tăng thuế thuốc lá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc làm của người lao động, trong ngành công nghiệp này cũng như tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc tăng thuế đối với sản phẩm thuốc lá không chỉ giúp tăng thu ngân sách, giảm lượng người hút thuốc, từ đó giảm bệnh tật mà còn không gây ra tình trạng buôn lậu thuốc lá. Đơn cử như tại Pháp, khi giá thuốc lá tăng gấp 3 thì tiêu thụ thuốc lá giảm 1/3 và thuế thu được tăng gấp đôi. Hay như ở Thái Lan và Philippines thực hiện tăng thuế thuốc lá qua nhiều năm làm giảm tiêu dùng mặt hàng này, nhưng lại tăng thu ngân sách và không gây tăng buôn lậu thuốc lá.
Ông Lâm cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt không phải yếu tố quan trọng liên quan tới buôn lậu thuốc lá. Tình trạng buôn lậu là do hàng rào thuế nhập khẩu rất cao, hiện tại là 135% giá nhập khẩu. Sau đó còn tính thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng.
Bà Lê Thị Thu, quản lý cao cấp chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm của HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, không có mối liên hệ chặt chẽ giữa tăng thuế và tăng buôn lậu, thực tế có nhiều nước có thuế cao mà buôn lậu lại thấp và ngược lại. Buôn lậu thuốc lá của Việt Nam tăng ngay cả khi thuế thuốc lá không tăng.
Bà Thu cũng cho rằng, tăng thuế thuốc lá không ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm của ngành thuốc lá. Khi tăng thuế, sản lượng thuốc lá không thể giảm nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Tính trên toàn bộ nền kinh tế, nếu sản lượng thuốc lá giảm thì số việc làm mất đi trong ngành nhỏ hơn số việc làm được tạo ra từ các ngành khác nhờ chi tiêu các sản phẩm khác tăng lên.
Theo các chuyên gia, việc tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá là hợp lý, bởi giá thuốc lá của Việt Nam đang ở mức thấp. Báo cáo Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, giá trung bình bao thuốc ở Việt Nam rẻ gần nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương, chỉ cao hơn giá thuốc tại Philippines.
Tỷ lệ thuế thuốc lá trên giá bán lẻ của Việt Nam đứng gần cuối cùng trong khu vực ASEAN, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới. Theo đó, năm 2016, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam là 35,5%. Tỷ lệ này chỉ cao hơn Lào là 19,7% và Campuchia là 31,1%; trong các nước còn lại tỷ lệ này đạt từ 53- 70%.
Theo bà Lê Thị Thu, đóng góp ngành công nghiệp thuốc lá vào ngân sách nhà nước không thế bù đắp được những thiệt hại do thuốc lá gây ra. Đơn cử như năm 2012, Việt Nam thu 14.000 tỷ đồng từ thuế thuốc lá, thì đã phải bỏ ra tới 24.000 tỷ đồng (số liệu theo HealthBridge Canada 2013) mỗi năm cho chi phí điều trị bệnh, mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, tử vong sớm do hút thuốc.
Hơn nữa, Việt Nam mất một lượng tiền khổng lồ là 31.000 tỷ đồng mà người dân đã chi ra để mua thuốc lá hút hàng năm không được tiêu dùng vào việc có ích, tạo ra sức khỏe, của cải cho xã hội.