Ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, dòng vốn FDI của thế giới suy giảm nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút dòng vốn FDI. Trước việc, thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/2024, đây sẽ là tín hiệu tích cực để Việt Nam tạo thêm nguồn thu và nguồn vốn cho đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, có 1.015 doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng áp thuế tối thiểu toàn cầu, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động; trong đó, có trên 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ thu thêm được phần thuế chênh lệch trong năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Khi đó, các biện pháp ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ không còn tác dụng, đặt ra thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Australia đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024; trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, là các quốc gia có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Hiện, có 335 dự án FDI tại Việt Nam có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, khi đó các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng không được hưởng lợi vì phần chênh lệch này cũng sẽ bị Chính phủ của các quốc gia sở hữu doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thu về ngân sách của họ.
Trước thực tế này, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các doanh nghiệp FDI sẽ không quan tâm liệu Chính phủ Việt Nam có áp dụng hay không thuế tối thiểu toàn cầu, họ sẵn sàng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với tỷ lệ 15% nhưng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Cam kết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu gây áp lực, nhưng quan trọng là tạo cơ hội, thúc đẩy Việt Nam phải cải cách, hoàn thiện khung pháp lý của hệ thống thuế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tạo niềm tin, tăng cường hội nhập và nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Rõ ràng, hiện nay chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không có nhiều sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, khó lường, bất ổn về địa chính trị và địa kinh tế, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các siêu cường. Sức hút của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài là các nhóm lợi thế nêu trên, cùng với nâng cao cơ sở hạ tầng sản xuất, giao thông và logistic.
Ví dụ: Quyết định của Tập đoàn Lego khởi công xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương ngày 3/11/2022 là minh chứng cho việc Tập đoàn không quan tâm đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Vào thời điểm khởi công xây dựng nhà máy, Tập đoàn Lego biết rất rõ Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.
Lý do Tập đoàn Lego quyết định đầu tư không xuất phát từ tận dụng chi phí lao động giá rẻ, mà hãng nhìn thấy Việt Nam có cam kết rất mạnh về thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); Việt Nam nằm ở châu Á, nơi có tỷ lệ trẻ em cao, là thị trường đầy tiềm năng, qua đó Tập đoàn có thể mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của khu vực; đồng thời, Việt Nam có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 với quan điểm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tái định vị dòng vốn đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nhiều rủi ro và tiềm ẩn xảy ra tranh chấp.
Cùng với đó, chiến lược ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; bảo đảm cân đối lợi ích các bên đầu tư với lợi ích của nhà nước và nhân dân trong hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro…
“Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư mới để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh mới và trước mắt là phù hợp, tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu.Theo đó, một số nội dung về cách tiếp cận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; về đánh giá tác động trong việc áp dụng chính sách; đối tượng được hưởng ưu đãi, đảm bảo tính bình đẳng, cạnh tranh, phù hợp với định hướng đầu tư nước ngoài của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Để kịp thời thực hiện đúng và hiệu quả cam kết của Chính phủ trong thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần chủ động, khẩn trương, Quốc hội cùng đồng hành với Chính phủ để rà soát, sửa đổi và cập nhật những quy định của pháp luật; xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp liên quan tới việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu theo quan điểm chủ động trong chính sách, đảm bảo phù hợp điều kiện tài chính của Việt Nam, phù hợp quy tắc thuế mới và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Bài 3: Cơ hội cải thiện môi trường đầu tư