Toàn bộ 142 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đạt đồng thuận về quy định áp tối thiểu ở mức 15%. Đối với Việt Nam, một thách thức không nhỏ là duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư, khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư lớn là đối tượng áp dụng thuế tối thiểu.
Hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp
Trong một quyết định cải cách sâu rộng nhất các quy định về thuế xuyên biên giới, năm 2021, gần 140 nước đã nhất trí áp dụng mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia với cam kết áp thuế bổ sung đối với lợi nhuận các công ty này thu được ở các nước có mức thuế suất thấp hơn.
Tháng 10/2021, tiếp nối thỏa thuận đạt được của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), 130 nước thuộc OECD cũng nhất trí về quy định áp thuế doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15%. Với tiến triển này, tiến trình cải cách thuế toàn cầu đang dần hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp.
Cải cách này nhằm cập nhật các quy định ra đời cách đây hàng thập kỷ về thuế xuyên biên giới trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, khi các tập đoàn công nghệ như Apple và Google có thể đăng ký lợi nhuận ở những nước đánh thuế thấp. Thỏa thuận của OECD sẽ góp phần tạo sự bình đẳng về thuế doanh nghiệp giữa các nước, chấm dứt tình trạng trốn thuế, nhất là của các công ty đa quốc gia có doanh thu cao như các “đại gia” công nghệ.
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann ca ngợi thỏa thuận đạt được sau những nỗ lực đàm phán kéo dài nhiều năm qua sẽ đem lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển. Theo OECD, cải cách trên sẽ giúp tăng số tiền thu thuế trên toàn cầu thêm 220 tỷ USD.
Thỏa thuận của OECD bao gồm hai phần. Phần một quy định áp mức thuế tối thiểu 15% với các doanh nghiệp có doanh thu trên 750 triệu euro (818 triệu USD). Nếu một tập đoàn và các công ty con nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu thì sẽ phải nộp khoản chênh lệch so mức tối thiểu tại nước đặt trụ sở. Bởi vậy, việc chuyển lợi nhuận sang các nước khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với các tập đoàn.
Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế tại nước đặt trụ sở. Do đó, phần hai của thỏa thuận nhằm bảo đảm phân phối lợi nhuận và quyền thu thuế công bằng hơn giữa các nước với các tập đoàn đa quốc gia, bao gồm cả các công ty công nghệ. Việc thu thuế sẽ được thực hiện tại cả nơi doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu. Với quy định này, tập đoàn Volkswagen của Đức sẽ phải đóng thuế nhiều hơn ở các nước nơi hãng này sản xuất, lắp ráp ô tô. Các tập đoàn công nghệ như Apple hay Google sẽ phải đóng thuế nhiều hơn ở các nước châu Âu.
Hiện 142/142 quốc gia thành viên OECD; trong đó có Việt Nam, đã đạt đồng thuận về quy định áp thuế doanh nghiệp tối thiểu.
Tiến gần hơn tới việc thực hiện
Ngày 2/2, OECD đã công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với chính phủ các nước về cách thức đưa thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào các văn bản luật, theo đó tiến gần hơn tới việc thực hiện cải cách này vào năm 2024.
Hướng dẫn cuối cùng của OECD nhằm làm rõ các chi tiết liên quan để chính phủ các nước có thể thông qua mã số thuế một cách nhất quán và phối hợp để hạn chế chi phí đối với các công ty, đồng thời hạn chế khả năng xung đột.
OECD đã đưa ra thông tin chi tiết, đặc biệt là cách thức chính phủ các nước công nhận mức thuế tối thiểu hiện hành ở Mỹ, áp dụng với cả bằng sáng chế, thương hiệu hoặc bản quyền. Hướng dẫn trên cũng bổ sung chi tiết phạm vi các công ty trong diện áp dụng cũng như các bước thực hiện và chuyển đổi.
Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về chính sách thuế Lily Batchelder cho rằng tiến bộ liên tiếp trong việc hướng tới thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này là bước đi tiếp theo trong việc tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ. Việc này cũng sẽ bảo vệ người lao động và các gia đình trung lưu Mỹ bằng cách chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về thuế doanh nghiệp.
Cải cách lớn này đang được thúc đẩy mạnh mẽ để thực hiện vào đầu năm 2024, sau khi các nước Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 12/2022 nhất trí mức thuế tối thiểu trong toàn khối theo chỉ thị do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.
Ủy viên kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni, cho biết chỉ thị mà EC đưa ra sẽ đảm bảo mức thuế tối thiểu có hiệu lực mới là 15% đối với các công ty lớn sẽ được áp dụng theo cách hoàn toàn tương thích với luật của EU.
Bất kỳ tập đoàn lớn nào, trong nước hoặc quốc tế, với tổng doanh thu trên 750 triệu euro mỗi năm và có công ty mẹ hoặc công ty con đặt tại một quốc gia thành viên EU, sẽ phải tuân theo quy tắc được đề xuất.
Nếu thuế suất có hiệu lực của một tập đoàn lớn ở một quốc gia thành viên EU giảm xuống dưới 15% thì tập đoàn đó sẽ phải chịu mức thuế bổ sung. Bên cạnh đó, chỉ thị cũng bao gồm "Quy tắc thanh toán dưới thuế," một điều khoản trong trường hợp công ty mẹ đặt trụ sở tại một quốc gia không thuộc EU có mức thuế thấp không áp dụng các quy tắc tương đương.
Trong khi đó, tại Thụy Sỹ, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 18/6, gần 80% cử tri đã ủng hộ việc tăng thuế doanh nghiệp từ mức trung bình hiện tại 11% lên mức tối thiểu toàn cầu là 15%. Dự kiến, việc tăng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại 1,8 tỷ USD doanh thu bổ sung vào ngân sách hàng năm cho Thụy Sỹ.
Thụy Sỹ từ lâu đã là một trong những quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới. Mặc dù việc tăng thuế sẽ gây ảnh hưởng, nhưng phần đông doanh nghiệp lớn đều hoan nghênh sự chắc chắn hơn mà hệ thống thuế mới sẽ mang lại.
Việt Nam trước đòi hỏi duy trì môi trường cạnh tranh
Cho đến nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản đã lên kế hoạch bổ sung, sửa đổi luật trong năm 2023 để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Đây là các quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Nếu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành thì các nước có công ty mẹ sẽ thu thêm phần thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch từ mức thuế thực tế đang nộp so với thuế tối thiểu toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất.
Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn..., khiến cho thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ là 12,3%. Do đó, việc áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hiện cả nước có 36.500 dự án đầu tư nước ngoài; trong đó, có trên 1.000 doanh nghiệp lớn và hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh sẽ chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Hàn Quốc đang là nước dẫn đầu về số lượng đầu tư và sau đó là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Do đó, vấn đề đặt ra là với việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần có những chính sách, giải pháp nhằm ứng phó kịp thời để tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang, sẽ kinh doanh tại Việt Nam.