Bà Vũ Thu Ngà, Phó Tổng Giám đốc Tư Vấn Thuế (Thuế Quốc Tế) Công ty TNHH Deloitte Việt Nam:
Để đảm bảo đủ năng lực tiếp tục tham gia cuộc cạnh tranh mới, Việt Nam cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn (QDMTT) từ năm 2024. Đồng thời, nhấn mạnh cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn là cơ chế đạt chuẩn theo quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Các cơ chế khác không đạt chuẩn như áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15% sẽ không thống nhất theo công thức tính của OECD như cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn. Từ đó, dẫn đến tổng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp sẽ bị tăng lên so với việc tính toán thuế bổ sung theo cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn. Việc này vừa gây thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư, vừa gây khó khăn trong việc áp dụng và không thể hiện được sự hội nhập chính sách thuế của Việt Nam với quốc tế.
Bên cạnh đó, có thể cân nhắc các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp hơn với bối cảnh hậu Trụ cột 2. OECD nhấn mạnh rằng, Chính phủ của các quốc gia đang phát triển không nên đứng yên mà cần đánh giá lại môi trường ưu đãi thuế; nhìn nhận Trụ cột 2 là một cơ hội để cải cách đồng thời tái cấu trúc hệ thống chính sách ưu đãi thuế, đặc biệt là những chính sách không hiệu quả gây lãng phí nguồn ngân sách quốc gia.
Trong số đó, các chính sách ưu đãi dựa trên thu nhập sẽ không còn hiệu quả mà thay vào đó nên tăng cường các chính sách dựa trên cơ sở chi phí. Chính sách được đề xuất hàng đầu là thông qua trợ cấp trực tiếp hoặc cho cấn trừ chi phí vào thuế phải nộp và được hoàn theo chuẩn của OECD (QRTC) đối với một số loại chi phí như chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí sản xuất, nghiên cứu phát triển, nhân lực… Việt Nam có thể tham khảo các chính sách của Ấn Độ, Ireland, Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)
Để thực hiện được biện pháp này, Việt Nam sẽ đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung thêm sẽ được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp; đối tượng doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này; cũng như mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp. Cùng đó, lưu ý các biện pháp bù đắp hoặc hỗ trợ dù theo hình thức nào nên được thiết kế hợp lý để không bị xem là lợi ích liên quan trực tiếp đến đối tượng của Trụ cột 2, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn.
Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển: Nghiên cứu hỗ trợ bằng tiền mặt
Các ưu đãi về thuế sẽ không còn tác dụng khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Cộng thêm với việc doanh nghiệp thường phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn ở giai đoạn đầu cho cơ sở vật chất, nhân lực... sẽ gây bất lợi lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Do đó, nhiều công ty đa quốc gia đã đưa ra khuyến nghị về việc áp dụng cơ chế ưu đãi bằng tiền nhằm hỗ trợ một phần chi phí đầu tư. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất và mang tính dài hạn.
Ngoài ra, theo Quy tắc mẫu của OECD đối với Trụ cột 2, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các khoản giảm trừ thu nhập dựa trên thực chất (“SBIE” – Substance-based income exclusion). Tức là doanh nghiệp sẽ được trừ một tỷ lệ nhất định theo giá trị còn lại của tài sản hữu hình và chi phí trả lương khi tính toán thuế phải nộp bổ sung.
Do đó, cần cân nhắc chính sách được hỗ trợ bằng tiền mặt sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư thực chất trên của doanh nghiệp và theo đó, làm giảm số thuế phải nộp bổ sung.
Đặc biệt, việc áp dụng ưu đãi bằng tiền cũng đang và sẽ được cân nhắc bởi các quốc gia tương tự Việt Nam (như Thái Lan, Malaysia) trong việc tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó sẽ ảnh hưởng bất lợi đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam trong trường hợp các chính sách hỗ trợ bằng tiền này được triển khai.
Ngoài lợi ích cho doanh nghiệp, cơ chế ưu đãi bằng tiền cũng sẽ có lợi cho Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Các khoản ưu đãi bằng tiền dù có thể sẽ phát sinh việc phải trả trước từ ngân sách, nhưng sẽ có ưu điểm là dễ ước tính hơn dựa trên giá trị đầu tư, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể được cân nhắc thiết kế theo hướng chi trả nhiều lần để phù hợp cho việc hoạch định ngân sách.
Bà Hương Vũ - Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam: Tránh vi phạm quy tắc
Khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, Việt Nam có thể có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Trước hết đặt quyền lợi của nhà đầu tư làm hàng đầu; hỗ trợ phải đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư. Các biện pháp hỗ trợ phải đảm bảo không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như tuân thủ các quy tắc của Trụ cột 2.
Một trong các nguyên tắc quan trọng của Trụ cột 2 đưa ra là các quốc gia khi thực hiện các quy tắc của Trụ cột 2 sẽ không được đưa ra các khoản lợi ích cho doanh nghiệp liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp đến việc thực hiện các quy tắc này.
Hiểu đơn giản là việc hoàn lại cho doanh nghiệp các khoản lợi ích tương ứng với số thuế thu được từ việc thực thi các quy tắc này. Vì vậy, về mặt kỹ thuật để giảm bớt rủi ro vi phạm các quy tắc của Trụ cột 2, việc đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp cần phải cân nhắc.