Nhiều hộ nông dân tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đang lao đao tìm đầu ra cho hạt lúa RVT. Nguyên nhân là do thương lái bỏ tiền đặt cọc hủy hợp đồng mua khi giá lúa đang xuống thấp hơn so với giá đặt cọc ban đầu. Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân Ngã Năm đã xuống giống trên 6.000 ha diện tích lúa RVT, trong đó diện tích lúa được doanh nghiệp bao tiêu là 1.610 ha, số còn lại nông dân tự phát bán với thương lái bên ngoài. Theo đó, diện tích lúa RVT không ký hợp đồng với doanh nghiệp gặp khó khăn ở thị trường tiêu thụ và đang bị thương lái bỏ tiền cọc, hủy hợp đồng mua bán.
Gia đình ông Lâm Phước Hưng, khóm Tân Trung phường 2, vụ lúa hè thu năm nay sản xuất gần 6 công lúa RVT, được thương lái bên ngoài bao tiêu ngay ở đầu vụ và đặt cọc 500.000 đồng/công, với giá 6.500 đồng/kg . Thế nhưng, tới khi lúa chín thì giá thị trường giảm chỉ còn 5.400–5.500 đồng/kg, gặp phải lúc thu hoạch vào thời điểm trời mưa nên cắt xong chẳng thấy thương lái đến thu gom.
Vụ lúa hè thu năm 2015, bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng xuống giống được hơn 100 ngàn ha, nhiều nhất tại các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên… Ảnh: Chanh Đa/TTXVN |
Cách đó không xa, rất nhiều hộ cũng sản xuất lúa RVT nhưng thương lái cũng chẳng đến thu mua nên đành tìm kiếm thương lái khác để bán với giá 5.300 đồng/ kg. Theo bà con nơi đây, lúc đầu vừa mới xuống giống khoảng 20 ngày thì có thương lái xuống đặt vấn đề hợp đồng bao tiêu với giá 6.500 đồng/ kg. Tuy nhiên thủ tục hợp đồng rất đơn giản, chỉ một tấm giấy photo có để số tiền đặt cọc hay những tấm biên nhận viết tay là được.
Ông Nguyễn Văn Lùn, khóm Tân Trung phường 2 chua xót nói, giá lúa giảm thương lái bỏ cọc hết cho nên dân hết sức khó khăn; cái này theo xét thấy dân mình cũng phải nên rút kinh nghiệm về mua bán phải rõ ràng, như công ty nào đến đây đại diện phải có chính quyền tham gia làm “trọng tài”. Chứ như vậy thì thương lái bỏ ngang, làm dân hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Khấn, Chủ tịch UBND phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2015 hầu hết các doanh nghiệp đến với địa phương để bao tiêu, tuy nhiên vẫn có một số thương lái bên ngoài chen vào bỏ giá cao hơn với doanh nghiệp; nhưng đến cuối vụ bỏ luôn cọc hợp đồng. Chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo bà con sản xuất nên chọn doanh nghiệp có uy tín bao tiêu, để đảm bảo tính về lâu về dài trong sản xuất lúa gạo thời gian tới.
Cách đây vài mùa vụ, giống lúa ST đặc sản của tỉnh Sóc Trăng đã từng “làm mưa làm gió” trên các cánh đồng nhờ phẩm chất gạo vượt trội và năng suất cao, được hầu hết nông dân trong tỉnh hưởng ứng sản xuất, thương lái tranh nhau thu mua với giá cao hơn các loại lúa thường từ 1.000-1.500 đồng. Lợi nhuận từ sản xuất lúa ST cũng cao hơn các loại lúa khác nên hệ quả là nông dân tại các địa phương ồ ạt sản xuất lúa ST mà không theo quy hoạch nào của ngành chức năng, để rồi, trong niên vụ lúa Hè Thu niên vụ 2014, lúa ST không bán được, thương lái bỏ cọc không thu mua. Lúc này, lúa RVT “lên ngôi” thay thế ST, với nhiều tiềm năng và lợi thế như giống lúa ST ngày trước, nhưng chỉ sau vài vụ sản xuất, tình trạng lúa không bán được, thương lái bỏ tiền cọc lại tiếp diễn.
Từ thực tế mà nông dân Ngã Năm đang gặp phải mà thương lái bỏ cọc tiền thu mua lúa như dấy lên hồi chuông lo ngai cho việc sản xuất lúa. Thêm lần nữa, bài toán cho việc sản xuất các giống lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng lại gặp khó khăn và nghẽn đầu ra. Lời giải cho bài toán về lâu dài với người nông dân hiện nay chính là sự liên kết mang tính ràng buộc giữa doanh nghiệp và nông dân. Khi mà giá cả thị trường luôn biến động thì việc chọn những doanh nghiệp bao tiêu sản xuất có uy tín và bản hợp đồng đúng theo quy định pháp luật là một trong những vấn đề cần thiết mà bà con nông dân cần quan tâm trong sản xuất hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi và đầu ra của sản phẩm ở cuối vụ, cũng như lợi ích cho các doanh nghiệp uy tín sản xuất ổn định, khi gặp các trường hợp nông dân “bẻ kèo”.