Thương mại điện tử trở thành kênh phân phối quan trọng

Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trên tất cả mọi phương diện, điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được những cơ hội này để thúc đẩy tính đổi mới, tính bền vững và tăng trưởng dài hạn trong tương lai.

Do áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chuyển hướng sang thương mại điện tử. Sau khi đại dịch được kiểm soát, hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển và trở thành kênh phân phối quan trọng trong năm 2022 vừa qua. Hiện thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại.

Tốc độ phát triển nhanh

Chú thích ảnh
Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết /Báo Tin tức

Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 7.893 doanh nghiệp, tổ chức và 2.609 cá nhân đăng ký tài khoản; thực hiện thủ tục thông báo cho 10.146 website thương mại điện tử và 660 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động thương mại điện tử đã và đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều. Hiện thành phố được đánh giá là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, thuộc loại lớn nhất nước, chiếm 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến của cả nước.
 
Chị Nguyễn Quế Chi (phường Đa Kao, quận 1) chia sẻ, trước đại dịch, chị có sử dụng app (ứng dụng) để mua hàng trực tuyến cho gia đình mỗi khi bận công việc, tuy nhiên không thường xuyên. Nhưng trong thời kỳ giãn cách xã hội, việc mua hàng qua app là bắt buộc và dần tạo thói quen cho bản thân cũng như nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Cách thức mua hàng thông qua các dịch vụ thương mại điện tử tiện lợi, phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Cuối năm 2022, TGM Research (công ty nghiên cứu thị trường dựa trên nền tảng công nghệ) đã tiến hành một cuộc khảo sát toàn cầu nhằm xem xét hiện trạng và xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số trên nền tảng thương mại điện tử trên khắp 5 châu lục và 33 quốc gia. Cuộc khảo sát này cho thấy kỳ vọng, nhu cầu và hành vi của khách hàng đã thay đổi như thế nào trong suốt những năm qua khi nói đến mua sắm trực tuyến.
 
Theo TGM Research, trong 12 tháng qua, nhiều người tiêu dùng thường xuyên tham gia mua sắm trên internet, 74% số người được khảo sát cho biết họ mua hàng trực tuyến hơn một lần mỗi tháng. Có thể quan sát thấy động lực tăng trưởng đáng kể trong ngành thương mại điện tử Việt Nam khi có đến % người tham gia khảo sát cho biết họ mua hàng trực tuyến hàng tuần.
 
Thương mại điện tử Việt Nam đang thống trị bởi ba tên tuổi lớn bao gồm Shopee, Lazada và Tiki; trong đó Shopee là trang thương mại điện tử được phần lớn khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, thị trường thương mại thông qua phát sóng trực tiếp (livestream) cũng đang tăng đột biến với % số người được khảo sát nói rằng họ đã tham dự một sự kiện mua sắm thông qua livestream trong 12 tháng qua. Đây là con số đáng chú ý nhất trong số 33 quốc gia được khảo sát, minh chứng cho sức hấp dẫn của các hình thức bán hàng kết hợp yếu tố giải trí đối với người tiêu dùng Việt Nam.
 
Xu hướng khả quan
 
Tổng Giám đốc của TGM Research Greg Laski nhận xét, khách hàng có thể mua hàng hóa từ bất kỳ khu vực nào thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Người cao tuổi còn trở nên thông thạo hơn trong việc mua sắm trực tuyến mà không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ người trẻ tuổi. Người tiêu dùng nói chung cũng đã quá quen với hình ảnh của những kiện hàng được giao tới trước cửa nhà họ. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy một sự chuyển đổi chưa từng có trong cách người tiêu dùng mua sắm hàng hóa.
 
Theo đại diện Lazada Việt Nam, triển vọng ngành bán lẻ và thương mại điện tử trong trung và dài hạn là rất khả quan. Các dự báo tăng trưởng kinh tế trong các năm tiếp theo của Việt Nam vẫn duy trì quanh mức 6%, chứng minh tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ.
 
Để đón đầu xu hướng này, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp thương mại điện tử nên tích cực mở rộng nguồn hàng theo nhiều nhóm ngành hàng đa dạng. Đồng thời, tăng cường ứng dụng những công nghệ hiện đại để tối ưu hóa hành trình trải nghiệm của người dùng trên nền tảng số, tăng cơ hội tiếp cận các nhóm khách hàng tiềm năng mới.
 
Năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, mở ra cơ hội kết nối cho doanh nghiệp trong khối ASEAN. Thông qua Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN - ASEAN Online Sale Day 2022 đã có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp ở đa dạng các lĩnh vực tại 10 quốc gia thuộc ASEAN cung cấp dịch vụ, hoạt động mua sắm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
 
Trước tình hình hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển bùng nổ trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đặt mục tiêu thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tổ chức thực thi pháp luật thương mại điện tử, cụ thể như kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý thương mại điện tử nhằm tăng hiệu quả quản lý thương mại điện tử.
 
Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (Go Online, Go Export, ECVN, Vietnamexport,...). Nghiên cứu, triển khai giải pháp nâng cao năng lực dự báo thương mại điện tử quốc gia nhằm mục tiêu nâng cao năng lực dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng thương mại điện tử, kinh tế số của ngành công thương tại 63 tỉnh, thành phố.
 
TGM Research nhận định, thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trên tất cả mọi phương diện, điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được những cơ hội này để thúc đẩy tính đổi mới, tính bền vững và tăng trưởng dài hạn trong tương lai.

Hồng Đạt
Gỡ bỏ 1.663 gian hàng vi phạm trên thương mại điện tử
Gỡ bỏ 1.663 gian hàng vi phạm trên thương mại điện tử

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, năm 2022 đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN