Tổng kết 10 thực hiện tiêu chí Thủy lợi trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết việc về đích trước 18 tháng so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là kết quả nổi bật của ngành Thủy lợi.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhận thức về vai trò của tiêu chí thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được nâng lên và nhận được sự ủng hộ của người dân nên bước đầu hình thành được một số các phong trào liên quan đến thực hiện công tác thủy lợi.
Ngành thủy lợi các địa phương đã hoàn thiện được hệ thống thủy lợi nội đồng, kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi được cải thiện rõ rệt, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu tăng lên, với 80% diện tích được tưới tiêu nước chủ động; huy động gần 70 nghìn tỉ đồng xây dựng thủy lợi nông thôn trong 10 năm qua…
Theo GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Hội Thủy lợi Việt Nam, tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện, bởi nhu cầu kinh phí đầu tư quá lớn, trong khi đó nguồn lực của các địa phương còn hạn hẹp. Do vậy, nhiều địa phương đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể của từng vùng để huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.
Là một trong những địa phương khu vực phía Bắc về đích sớm nhất về tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương chia sẻ, thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương nội đồng tăng lên, nhờ vậy nâng cao hiệu quả sử dụng nước công trình thủy lợi, tiết kiệm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Mục tiêu tiếp theo trong giai đoạn 2021-2025 về thủy lợi, mỗi tỉnh có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí thủy lợi; cả nước có 95% số xã đạt tiêu chí thủy lợi, trong đó ít nhất 10% số xã đạt tiêu chí thủy lợi đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định. Để thực hiện tốt mục tiêu này, trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo sẽ là tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về thủy lợi, nhân rộng, phổ biến những cách làm hay, những mô hình hiệu quả trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các loại cây trồng chủ lực. Đồng thời, huy động sự tham gia các cấp chính quyền, đoàn thể, của doanh nghiệp và người dân trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm phát huy hiệu quả công trình.
Nhấn mạnh đến vai trò thủy lợi nội đồng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò quan trọng, quyết định cho sự phát triển và hiệu quả của hệ thống thủy lợi, chính vì vậy giải pháp như thế nào thì cũng phải quan tâm đúng mức và đầu tư một cách thực chất. Tiếp tục giai đoạn 2 của nông thôn mới đó là củng cố nâng cao và nông thôn mới tiêu biểu, chuyển sang quá trình tái cơ cấu để đáp ứng thì thủy lợi phải chuyển từ tưới lúa là chính sang phục vụ cho cây ăn qua, lâu năm, thủy sản và phục vụ trực tiếp cho quá trình tăng trưởng giá trị gia tăng trong nông nghiệp.”