Nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá tiềm năng, thế mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa tỉnh Gia Lai và các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương nước ngoài nói chung, với Nhật Bản nói riêng. Qua đó, đóng góp thiết thực vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch.
Ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, tỉnh Gia Lai tự tin chào đón, mời gọi các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Đây là 3 trụ cột được tỉnh Gia Lai đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021-2030.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 dự án cấp quốc gia kêu gọi vốn đầu tư trự tiếp nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025 gồm: Đường cao tốc Quốc lộ 19, Khu du lịch sinh thái Ayun Hạ, Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya và Dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Đây được coi là các điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có ý định đầu tư về với tỉnh Gia Lai.
Đồng thời, tại Gia Lai, tuy các doanh nghiệp đa số là nhỏ và vừa nhưng cũng có các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu như cà phê (Công ty TNHH Vĩnh Hiệp), chanh leo (Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao) là những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường châu Âu sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai hiện có hơn 200 sản phẩm đặc trưng được công nhận 3-4 sao cấp tỉnh trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng hoàn thiện, nâng tầm sản phẩm đặc trưng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Shimonishi Kiyoshi, Phó tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng, cho biết, tỉnh Gia Lai nổi tiếng về sản phẩm nông nghiệp như hạt tiêu, cà phê, cao su. Các nhà doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang nhập khẩu những sản phẩm này từ tỉnh Gia Lai. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã và đang triển khai một số dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như Dự án "Nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp và nông thôn có sự tham gia của người dân nhằm xóa nghèo ở khu vực Tây Nguyên" được triển khai tại huyện Mang Yang của Gia Lai.
Phó tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng tin chắc rằng việc hợp tác giữa Nhật Bản và tỉnh Gia Lai không bị hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp và còn rất nhiều tiềm năng khai thác. Ông cũng mong muốn thông qua hội thảo lần này, các doanh nghiệp Nhật Bản và tỉnh Gia Lai sẽ tìm ra các cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, đồng thời, phát triển mối quan hệ giữa Nhật Bản và tỉnh Gia Lai, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam vào năm 2023.
Hội thảo đã diễn ra hai phiên tọa đàm với các chủ đề trao đổi về các dự án mời gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến; nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
Tại hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai - Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại & Hội nghị quốc tế - Trung tâm giao lưu Nhật - Việt; Lễ ký kết hợp tác, ghi nhớ giữa các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai và doanh nghiệp Nhật Bản (Cung ứng mật ong của Hợp tác xã mật ong Phương Di và Công ty Akira Japan; bao tiêu sản phẩm tai nấm linh chi của Công ty TNHH Hệ sinh thái THE VOS và Công ty TNHH Nông nghiệp vi sinh VOS FIVEA, liên kết chuỗi sản phẩm từ giống đầu vào, canh tác thu hoạch, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Sê và Cụm công nghiệp Đăk Đ
oa giữa Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc với Công ty cổ phần Shinec...).
Để định hướng triển khai kết quả hội thảo, ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhận định, Nhật Bản không phải là một thị trường dễ tính, các doanh nghiệp Gia Lai không thể có ngay những đơn hàng lớn mà cần phải đi từng bước cẩn trọng, chắc chắn, trong đó điều kiện tiên quyết là phải đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Thành hy vọng là sau hội thảo này, doanh nghiệp hai bên sẽ có những bước tiến xa hơn, biến những cơ hội thành những dự án hành động hợp tác cụ thể, hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển.
Tỉnh Gia Lai cũng cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cũng như luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa để các thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như doanh nghiệp nước ngoài phát triển.