Diện tích này chủ yếu trồng giống thanh long ruột đỏ, cho sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 200.000 tấn quả cung ứng thị trường xuất khẩu. Từ đó mang lại cho nông dân tỉnh Tiền Giang nguồn lợi kinh tế lớn.
Ưu điểm của thanh long là dễ trồng, năng suất cao, đầu ra thuận lợi và là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng của tỉnh. Đặc biệt, cây thanh long chịu hạn, thích nghi với thổ nhưỡng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nên được địa phương chọn phát triển ở các địa bàn canh tác khó khăn, thích ứng hạn mặn và giảm nhẹ thiên tai. Trọng điểm là vùng ngọt hóa Gò Công, vùng ven biển huyện Gò Công Đông, vùng Đồng Tháp Mười…
Trong đó, các huyện vùng ngọt hóa Gò Công là vùng trồng thanh long tập trung với tổng diện tích lên đến trên 8.000 ha. Huyện Chợ Gạo đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Tiền Giang với trên 7.700 ha. Thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...
Huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) tuy mới phát triển gần đây cũng đã trồng được gần 1.000 ha.
Kiểng Phước là xã ven biển của huyện Gò Công Đông thường xuyên đối mặt thiên tai hạn, mặn, trồng lúa khó khăn, năng suất bấp bênh, những năm thiên tai coi như mất trắng. Phó Chủ tịch UBND xã Kiểng Phước Nguyễn Tấn Đạt cho biết, thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, địa phương đã chuyển trên 100 ha đất ven biển sang trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao. Đồng thời, xã cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích thanh long ruột đỏ lên 250 ha, gấp đôi hiện nay.
Nông dân Trịnh Văn Phúc, cư ngụ ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước là người đi tiên phong trong việc chuyển đổi từ trồng lúa khó khăn sang trồng thanh long thích ứng biến đổi khí hậu cho biết, gia đình ông hiện có 1 ha thanh long ruột đỏ 5 năm tuổi. Với việc áp dụng khoa học công nghệ thâm canh, nhất là xử lý cho trái theo ý muốn nhằm tránh thời điểm thu hoạch rộ dễ bị mất giá do cung vượt cầu, trung bình mỗi năm gia đình ông thu hoạch từ 8 đến 10 đợt, sản lượng 25 tấn quả/ha.
Với giá thanh long từ 30.000 - 35.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi ròng từ 300 - 350 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa bấp bênh như trước đây. Nhờ chuyển đổi sang trồng thanh long, từ một nông dân nghèo khó, thiếu trước hụt sau, ông Trịnh Văn Phúc đã tạo dựng cơ nghiệp một cách bền vững trên vùng đất nhiễm mặn ven biển Gò Công đầy khó khăn năm xưa.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Tiền Giang đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường thông qua phát triển kinh tế tập thể, hình thành các hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, chuyển giao khoa học công nghệ thâm canh, xử lý cho trái rải vụ tránh tình trạng “trúng mùa, mất giá”, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khó tính…
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 11 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long, 80 kho lạnh bảo quản nông sản với công suất 16.000 tấn, trên 2.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Đến nay, mã số vùng trồng cấp xuất sang thị trường Trung Quốc là 33 mã số với 5.493 ha; mã số vùng trồng xuất sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia là 92 với 1.271 ha.
Điều đáng mừng là từ đầu năm đến nay, giá thanh long luôn giữ ở mức cao, người trồng thanh long thu lãi khá, an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao. Theo ghi nhận, thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay, giá thanh long ruột đỏ luôn đứng ở mức từ 30.000 - 35.000 đồng/kg tùy thời điểm, cao gấp ba lần năm trước. Nông dân vùng chuyên canh lãi từ 300 - 350 triệu đồng/ha. Thanh long cũng là cây trồng đặc sản cho lợi nhuận cao chỉ đứng sau cây sầu riêng chuyên canh mà thôi.
Nhờ chuyển đổi sang trồng thanh long, những địa bàn nhiều khó khăn, thường xuyên nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc hạn hán đe dọa như: vùng Đồng Tháp Mười, vùng ven biển Gò Công, nội đồng vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang đang có hướng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nông nghiệp – nông thôn đổi mới, thịnh vượng hẳn lên, góp phần xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.