Liên quan đến vụ xuất hiện sâu xanh gây hại cây xanh trên địa bàn huyện Gò Công Tây, ngày 9/11, ông Mai Đức Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây cho biết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) đã có công văn gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho cùng Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh về việc tiếp tục điều tra, phát hiện tình hình gây hại của loài sâu xanh gây hại trên cây xanh.
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Gò Công Tây xuất hiện loài sâu xanh gây hại trên lá cây của các loài cây như: cây bàng, cây sao, cây dầu ven các tuyến đường của các xã với 20 - 50 con/cây, cục bộ một số cây có mật số cao 100 - 400 con/cây.
Để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ đối với đối tượng sâu này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị, thành cử cán bộ kỹ thuật điều tra, phát hiện và theo dõi sâu xanh gây hại trên là của các loại cây xanh ven đường trên địa bàn.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu gây hại khi mật số cao bằng một trong các hoạt chất thuốc như Abamectin, Emmamectin, Cypermethrin, thuốc trừ sâu sinh học Bt,... và hướng dẫn nông dân tuân thủ nguyên tắc “4 đúng", đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thống kê mật số sâu, diện tích, loại cây trồng. mức độ gây hại và biện pháp xử lý báo cáo về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trước ngày 10/11/2020, sau ngày trên các đơn vị báo cáo chung vào báo cáo hàng tuần của đơn vị.
Như tin đã đưa, vào những ngày đầu tháng 11, lực lượng chức năng phát hiện loài sâu xanh xuất hiện ăn lá và gây hại trên một số cây bàng, cây sao, cây dầu ven đường của các xã trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Kết quả bước đầu xác định loài sâu xanh ăn lá họ sâu ăn tạp xuất hiện và gây hại trên cây bàng, cây sao, cây dầu tại các tuyến đường như xã Bình Nhì, Đồng Thạnh, Thạnh Trị, Yên Luông, Vĩnh Hựu, Long Bình và Thạnh Nhựt, mật số sâu dao động từ 20 - 50 con/cây, cục bộ một số cây có mật số cao từ 100 - 400 con/cây.
Nhằm ngăn chặn và tránh nguy cơ đàn sâu lây lan ra các hàng cây khác, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo phun xịt một số cây có mật số sâu cao để tránh lây lan. Trung tâm đã báo cáo nhanh về Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trồng trọt tỉnh Tiền Giang và gửi mẫu sâu về để nhờ định danh và xác định phổ gây hại của loài sâu này.