Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt 13,7 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ 2019; bán hàng đạt gần 12,37 tấn, giảm 9,6%; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 2.280.001 tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện Hiệp hội Thép cho hay, thị trường thép toàn cầu có hy vọng khả quan hơn vào quý III/2020 nhưng sự tái bùng phát dịch COVID-19 đã cho thấy những thách thức.
Hiện nay, các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn do các quốc gia vẫn trong giai đoạn đóng cửa, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra và sự cạnh tranh do giá nguyên liệu.
Tại Việt Nam, tình hình tiêu thụ thép có khởi sắc giai đoạn sau giãn cách vào tháng 4 nhưng tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, bước vào mùa mưa khiến việc tiêu thụ chậm lại. Tuy nhiên, điểm sáng là Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công giúp tăng nhu cầu.
Tuy nhiên, mặc dù tổng sản lượng bán hàng của các đơn vị trong ngành có sự sụt giảm, nhưng thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát vẫn tăng 14,5% trong 7 tháng, đạt 1,81 triệu tấn; trong đó, sản lượng thép thành phẩm xuất khẩu cũng tăng 73,3% đạt 256.500 tấn, ghi nhận mức tương đương khối lượng xuất khẩu cả năm 2019. Cùng với đó, Hòa Phát cũng cung ứng ra thị trường 1 triệu tấn phôi thép trong 7 tháng đầu năm.
Bên cạnh mức tiêu thụ giảm do dịch COVID-19 và bước vào mùa mưa, ngành thép cũng phải đối mặt với việc giá nguyên liệu sản xuất tăng cao.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện giá nguyên liệu sản xuất thép tháng 5, 6 và 7 đã tăng trở lại sau một thời gian giảm trước đây. Giá quặng sắt ở mức 115-118 USD/tấn, tăng 9-12 USD/tấn so với đầu tháng 7 và tăng 30 USD so với đầu tháng 5. Mức giá này tương đương với giá cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 7/2019 do sự cố vỡ đập ở mỏ Vale (Brazil).
Cùng với đó, giá thép phế liệu cũng khoảng 30 USD/tấn so với tháng 5, lên 280 USD/tấn. Giá cuộn cán nóng HRC ngày 09/08/2020 ở mức 480-485 USD/tấn, tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng đã gây sức ép lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm trong khi diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp.
Dù giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng lên từ nhiều tháng nay, song giá bán trong nước tháng 7 vừa qua ở vào khoảng 11 triệu đồng/tấn, có giảm so với các tháng trước. Các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất buộc phải giữ giá thành, hoặc giảm nhẹ để cạnh tranh thị phần.
Với thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Thép cho hay, các doanh nghiệp cần cẩn trọng trước việc kiểm soát mặt hàng thép tiền chế xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ khi mặt hàng này đã được đưa vào diện cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.
Hiện Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 9/2019, khiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm từ 1,2 tỉ USD năm 2018 xuống còn 711 triệu USD năm 2019.
Xu hướng phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục được các thị trường sử dụng với nhiều sản phẩm, đặc biệt với thép. Do vậy, bản thân doanh nghiệp khi tiếp cận các thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ, ngoài đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ thì cũng cần quan tâm hơn đến quy định của phòng vệ thương mại để chuẩn bị, tiếp nhận các vụ khởi kiện. Doanh nghiệp phải biết thì mới giảm thiểu được thiệt hại không đáng có, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó chủ tịch VSA cho hay…