Ngành nông nghiệp đang nỗ lực để đảm bảo đầu ra cho nông sản, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách thực sự hiệu quả và bền vững.
Chưa bền vững
Tại hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô và cây rau màu khác ở các tỉnh ĐBSCL diễn ra tại TP Mỹ Tho ngày 6/5 vừa qua, đại diện nhiều sở NN&PTNT các tỉnh, thành và ngay cả Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nhân dân vùng ĐBSCL còn mang tính tự phát, thị trường tiêu thụ chưa ổn định và thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã tạo nên một bức tranh đầu ra của nông sản rất bấp bênh. Những chủ thể như người nông dân trực tiếp tạo ra sản phẩm chịu nhiều thiệt thòi, doanh nghiệp khó có thể tổ chức thu mua sản phẩm.
Người nông dân luôn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ các sản phẩm như bắp, đậu nành, mè, dưa hấu... |
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Thị trường tiêu thụ, kênh phân phối và giá cả các sản phẩm rau màu chưa ổn định nên người nông dân chưa an tâm sản xuất. Phần lớn rau màu của tỉnh tiêu thụ qua việc xuất tiểu ngạch của Trung Quốc, tình hình giá cả rất bấp bênh. Bên cạnh đó, thời gian bảo quản rau màu rất ngắn, thường chỉ trong ngày, trong khi tỉnh còn thiếu cơ sở sơ chế, đóng gói, kho trữ lạnh cũng như chế biến để nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hóa sản phẩm để tiêu thụ ở các thị trường khác ngoài tỉnh. Những nguyên nhân trên đã làm cho rau màu khó phát triển”. Ông Liêm còn cho biết, số lượng HTX sản xuất rau an toàn, sản xuất màu theo qui trình VietGAP còn khiêm tốn, nên sản phẩm màu chưa bán được giá cao, giá cả thường không ổn định, có lúc giảm sâu đến mức không đủ bù chi phí thu hoạch.
Cùng quan điểm này, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cũng cho biết: “Nông dân luôn gặp những khó khăn vì thị trường tiêu thụ các sản phẩm chuyển đổi như bắp, đậu nành, mè, dưa hấu... không ổn định, ít doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và mối liên kết với nông dân chưa bền chặt”.
Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là vùng đất rất phù hợp với cây đậu phộng và nhiều năm qua người nông dân ở đây sống tốt với loại cây này. Năm nay giá đậu phộng xuống thấp, tuy chưa đến mức lỗ, nhưng người dân cũng đã bỏ cây đậu phộng để chuyển sang cây trồng khác. Ông Bùi Hữu Xuân, ngụ ở xã Hòa Khánh Đông, cho biết: “Vụ vừa rồi bán 1 ha đậu được 65 triệu đồng trong khi chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng chưa kể công cáng, tiền điện. Vụ tới mà xuống giống đậu nữa cầm chắc lỗ nên bà con chuyển qua trồng bắp”.
Còn ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, nhiều năm trước luôn xảy ra tình trạng bỏ mía trồng hoa màu, rồi lại chặt bỏ hoa màu để trồng lại mía. Trong 3 năm qua, giá mía bấp bênh, có lúc xuống thấp khiến người dân phải điêu đứng. Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ cho đến nay, giá gừng củ liên tục tăng thì lại có dấu hiệu phá mía để trồng gừng. Ông Phạm Văn Tâm, ngụ tại ấp Minh Thành, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng có một ha đất trồng mía đã chuyển sang trồng gừng, cho biết sau khi thu hoạch gừng với sản lượng 5 tấn/ha và trừ hết chi phí sản xuất thì ông thu lãi khoảng một tỷ đồng. Điều này đã khiến ông Tâm khẳng định sẽ tiếp tục trồng gừng cho mùa vụ sau. Mức lợi nhuận hấp dẫn như trên cũng khiến nhiều hộ dân quyết tâm phá bỏ cây mía.
Cần liên kết “4 nhà”
TS.Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nhìn nhận: “Vấn đề quan trọng là trồng bán cho ai, ai là người mua, trồng không có người mua dẫn đến trúng mùa mất giá và bà con không an tâm trong sản xuất. Vậy để làm tốt phải có mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp. Về vĩ mô, nhà nước cũng nên có kế hoạch về chiến lược kinh tế nông nghiệp đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm giữa ngành nông nghiệp và ngành công thương. Làm thế nào tính toán rõ ràng sản phẩm làm ra như sản lượng tiêu thụ lúa, bắp, đỗ tương, hoa màu... là bao nhiêu. Như vậy từ đó khuyến cáo bà con trồng để cuối cùng đáp ứng được khâu sản xuất và tiêu thụ phải liên kết chặt chẽ với nhau”.
TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, thì cho biết: “Vì không quy hoạch được đầu ra, không có thông tin dự báo, xúc tiến thương mại, tổ chức tiêu thụ, tổ chức khoa học kế hoạch để điều khiển hoặc xây dựng khoa học cho nông dân mà nông dân tự do thì sẽ gặp bấp bênh đầu ra. Do vậy nên liên kết “4 nhà”, mà cụ thể là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản; đồng thời có sự tham gia của nhà khoa học, nhà quản lí hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp thì hợp đồng liên kết đạt hiệu quả nhất”.
Theo đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nông nghiệp Tài Lộc CNB, ngành nông nghiệp từ trung ương tới địa phương cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu ra như cho phép họ đặt cơ sở thu mua, miễn giảm thuế … để họ mạnh dạn đầu tư nơi thu mua, tạo nên vùng nguyên liệu… Ngoài ra, bước đầu nên có nguồn ngân sách hỗ trợ cho nông dân trong quá trình chuyển đổi, ngoài các chi phí đào tạo học tập thì nên có nguồn ngân sách trợ giá hạt giống trong hai năm đầu tiên khoảng 30%; đồng thời có nguồn ngân sách đầu tư các loại máy móc để cơ giới hóa cho các địa phương chuyển đổi nhanh, ổn định, giúp tiêu thụ nông sản tốt và góp phần ổn định nguồn nguyên liệu.
Không lo thiếu thị trường tiêu thụ ngô Khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách nhà nước ban hành, trước hết đối với Quyết định 580. Có ba vụ để thực hiện chính sách này là Hè thu, Thu đông và Đông xuân sang năm với mỗi ha hỗ trợ 2 triệu đồng. Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Bộ Tài Chính để sớm có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, các Sở NN&PTNT các tỉnh yên tâm báo cáo UBND tỉnh tạm ứng kinh phí để hỗ trợ cho nông dân. Bên cạnh đó, chúng ta đang thiếu hụt 2,3 triệu tấn ngô mỗi năm và nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên khi ngành chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản phát triển hơn nữa trong tương lai. Do đó không lo thiếu thị trường cho sản phẩm ngô. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát Cần đầu tư các lò sấy Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng mối liên kết với các nhà thu mua, với sự cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Nếu như tổ chức sản xuất được thành những vùng lớn với lượng hàng hóa lớn để thu mua chế biến, đồng thời có những chính sách tốt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng các trung tâm thu mua cũng như các lò sấy, kho chứa thì với năng suất ngô ĐBSCL như hiện nay hoàn toàn có thể cạnh tranh được với giá rẻ hơn so với ngô nhập khẩu. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt Cần chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ Để tăng hiệu quả chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác gia tăng thu nhập cho nông dân, đề nghị trung ương và tỉnh có chính sách thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế đóng gói, kho lạnh bảo quản, chế biến xuất khẩu cho các vùng chuyên canh màu. Đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ hỗ trợ đầu ra cho nông sản như: Xúc tiến thương mại, thông tin dự báo giá cả, tìm kiếm và mở rộng thị trường... Tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng nông sản. Hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất rau màu. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long |
Bài và ảnh: Anh Đức