Tại Bình Thuận - “thủ phủ” thanh long của cả nước, những năm qua, cây thanh long tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Sản xuất thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác và nâng thu nhập cho người nông dân. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Bình Thuận tích cực triển khai biện pháp tìm hướng đi bền vững cho cây thanh long.
Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả chủ lực và là một trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Diện tích trồng thanh long tại Việt Nam hiện khoảng 37.000 ha; trong đó, Bình Thuận là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 27.000 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 500.000 tấn (chiếm 80% sản lượng thanh long cả nước). Hiện thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái tươi; ước tính khoảng 15 - 20% sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường nội địa; 80 - 85% tập trung cho xuất khẩu.
Thanh long là một trong 9
loại cây trồng chủ lực của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị
trường thế giới. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN |
Để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ thanh long trong và ngoài nước. Cụ thể là tổ chức các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long của tỉnh Bình Thuận, thực hiện mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (mô hình tiêu thụ thanh long).
Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ hóa các giải pháp nhằm đẩy nhanh thời gian làm công tác thông quan hàng hóa. Các cơ quan kiểm dịch tại khu vực cảng, cửa khẩu ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm dịch thực vật đối với thanh long xuất khẩu; tăng cường công tác an ninh, trật tự trên địa bàn cho thương nhân thu mua thanh long; cho phép các biện pháp phù hợp để ưu tiên đối với việc vận chuyển thanh long, điều tiết kịp thời phương tiện vận tải, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa…
Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, với việc Australia chính thức cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam, đây là một tin tốt với người trồng thanh thanh long Bình Thuận. Hiện thanh long Bình Thuận xuất khẩu vào 15 thị trường các nước; trong đó, chủ lực là châu Á (chiếm 84%), châu Âu (khoảng 14%) còn lại là châu Mỹ. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Myanmar, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc…
Sơ chế thanh long xuất khẩu. Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Nhằm đa dạng sản phẩm thanh long, nhiều công ty, đơn vị nghiên cứu sản phẩm mới từ thanh long, tạo đầu ra cho trái thanh long. Bên cạnh việc tiêu thụ thanh long trái tươi, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có một số doanh nghiệp đầu tư, chế biến sản phẩm từ thanh long như: nước ép, sấy khô, sấy dẻo, rượu thanh long… Các sản phẩm này bước đầu thâm nhập thị trường và được người tiêu dùng quan tâm. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có hơn 10 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chế biến từ trái thanh long.
Nhiều hợp tác xã thanh long trên địa bàn bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thanh long từ chính vùng nguyên liệu của mình như: sản phẩm rượu vang thanh long hợp tác xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc), thanh long sấy khô Hợp tác xã Phan Long (thành phố Phan Thiết), si rô, rượu vang của Hợp tác xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam)…
Sản phẩm thanh long sấy dẻo của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Bé Dũng tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) là một điển hình. Với công nghệ sấy dẻo tiến tiến của Đức và lựa chọn nguồn nguyên liệu thanh long “sạch” theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap để chế biến, sản phẩm thanh long sấy bước đầu thu hút sự chú ý của thị trường trong nước và ra thị trường các nước Anh, Đức…
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Bé Dũng cho biết, trước tình trạng diện tích thanh long phát triển ồ ạt, thị trường tiêu thụ trái thanh long ngày càng khó khăn. Việc phải tìm một hướng đi mới để nâng giá trị cho trái thanh long, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường là cần thiết. Năm 2014, ông Dũng tình cờ gặp một kỹ sư Việt kiều từ Đức về nước giới thiệu công nghệ sấy dẻo trái cây. Từ đó, ông quyết định dành toàn bộ số vốn nhập khẩu công nghệ sấy về sản xuất. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, liên tục gặp thất bại nhưng qua thời gian thử nghiệm, sản phẩm thành công, gây được sự chú ý của thị trường trong và ngoài nước.
Quy trình sản xuất thanh long sấy dẻo được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu, chế biến sản phẩm, đóng gói đến kho chứa. Thanh long tươi sau khi được rửa sạch, lột vỏ, thái mỏng được đưa vào lò sấy bằng nhiệt. Sau khi sấy, thanh long vẫn giữ được hương vị đặc trưng tự nhiên, đẹp mắt và bảo quản lâu hơn. Để thành phẩm 1kg thanh long sấy dẻo cần 18 - 20 kg trái tươi. Công suất sản xuất ban đầu nhà máy khoảng 200kg thanh long sấy dẻo mỗi ngày tương đương 3,2 tấn thanh long tươi.
Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Bình Thuận cho hay, hiện việc bán trái thanh long tươi còn nhiều hạn chế như thời gian bảo quản, giá trị gia tăng không cao… Việc tạo ra dòng sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là hướng đi đúng không những giải quyết vấn đề tiêu thụ trái trong những lúc dư thừa mùa chính vụ mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng giá trị gia tăng cho thanh long Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện các hợp tác xã gặp một số khó khăn về nguồn vốn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường… Do đó, để phát triển mạnh hơn mô hình sản xuất sau thu hoạch này cần sự hỗ trợ của nhà nước cũng như sự hợp tác phát triển của các đối tác.