Hướng tới nền kinh tế xanh, biết phát huy lợi thế nguồn vốn tự nhiên, khắc phục những tồn tại, Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà còn rút ngắn khoảng cách phát triển, tạo thế ổn định về chính trị và góp phần xóa đói giảm nghèo...
Nhiều lợi ích
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, thì việc phát triển mô hình kinh tế xanh là hướng đi của nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia đang phát triển. “Kinh tế xanh là cơ hội để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, góp phần phục hồi nền kinh tế, duy trì và tạo việc làm mới theo hướng thân thiện môi trường, giảm thiểu phát thải nhà kính. Đồng thời sẽ tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cộng đồng đối với môi trường và hệ sinh thái”, TS Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Kinh tế xanh đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều quốc gia. |
Thực tế, việc phát triển theo mô hình kinh tế xanh đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhiều quốc gia. Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy điều đó. Là quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, 97% tổng nhu cầu năng lượng lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố tầm nhìn mới với mô hình phát triển: Carbon thấp, tăng trưởng xanh; trong đó tập trung giải quyết ba mấu chốt, đó là thách thức của biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm và thách thức về năng lượng. Những chính sách này đã đem lại cho Hàn Quốc kết quả khả thi, với số lượng doanh nghiệp tăng lên đáng kể, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5 lần. Cũng như Hàn Quốc, các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu... đã phát triển theo hướng kinh tế xanh và đạt được những thành tựu đáng kể.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn vốn tự nhiên đa dạng và dồi dào, nhất là nguồn vốn tự nhiên có khả năng tái tạo, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xanh. TS.Patrica - Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đánh giá, "Việt Nam có 9 triệu ha đất nông nghiệp thuộc loại tốt hàng đầu thế giới, vùng đất đồi bao la và bờ biển dài 3.200 km cùng hàng ngàn, hàng triệu ha diện tích mặt nước sông ngòi, tạo thành nguồn lực "trời cho hiếm có so với nhiều nước trên thế giới".
Theo các chuyên gia, để tiếp tục duy trì và phát triển những thành quả tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang mô hình mới hiệu quả hơn và tăng trưởng xanh được coi là mô hình thích hợp để Việt Nam lựa chọn. "Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam không chỉ phù hợp trong tiến trình hội nhập hiện nay, mà quan trọng nhất là nó xuất phát từ nội tại nền kinh tế nước ta đang đòi hỏi phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nếu không phát triển theo mô hình này, Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với những nước khác", TS Vũ Xuân Nguyệt Hồng, khẳng định.
Hoàn thiện thể chế
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển mô hình kinh tế xanh, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT): “Hiện nay, Việt Nam chưa có một văn bản chính thức nào cho chính sách phát triển kinh tế xanh. Chúng ta mới chỉ có những nội hàm liên quan đến kinh tế xanh như: Kinh tế các bon thấp, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, công nghệ xanh... trong các văn bản như Nghị quyết 24 của Chính phủ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và quyết định số 432/QĐ - TTg về chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020...”.
PGS.TS Chinh cũng chỉ rõ, khái niệm "kinh tế xanh" ở Việt Nam hiện vẫn còn khá mới mẻ, thực tế công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, chưa thân thiện với môi trường. “Cùng với đó, 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chính, đặc biệt ở khu vực miền núi, đời sống người dân còn khó khăn. Phát triển "kinh tế xanh" phải gắn với xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, đây là thách thức không nhỏ", PGS.TS Chinh nói.
Một trong những vấn đề các chuyên gia nhấn mạnh, đó là vai trò của các doanh nghiệp trong chuyển đổi sang kinh tế xanh. Chuyển sang nền kinh tế sản xuất xanh, doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ, đòi hỏi khoản đầu tư lớn. "Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhận thấy lợi ích lâu dài từ việc tham gia vào quá trình xanh hóa nền kinh tế, sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, có cơ hội tham gia các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
TS Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện nghiên ứu Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất: "Cần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi cách suy nghĩ và hành động trong cộng đồng. Cùng với đó, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường. Đặc biệt, điều cần thiết làm ngay là hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành sao cho đồng bộ nhất quán theo định hướng tăng trưởng xanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội thực hiện theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững".
“Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đáng lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm đang gia tăng, biến đổi khí hậu hiện hữu và đe dọa đến an ninh kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, để duy trì những thành quả tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi đất nước phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, tức là từ nền công nghiệp đơn thuần sang nền công nghiệp xanh, vừa tăng trưởng vừa đảm bảo bền vững môi trường”. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc |
Thu Trang