Chủ động điều hành để giữ ổn định kinh tế vĩ mô
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm ơn những ý kiến xác đáng, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội và khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xây dựng các giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành không chỉ cho các tháng cuối năm của 2020 mà còn cho cả giai đoạn tiếp theo.
Cho rằng Việt Nam đã thực hiện khá thành công nhiệm vụ kép: vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì được sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, qua công tác phòng, chống dịch song song với phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam có thể đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Về định hướng, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng cho biết, trước những khó khăn, thách thức, tồn tại và diễn biến khó lường của dịch COVID-19, Chính phủ đã trình Quốc hội trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo đó, Chính phủ sẽ điều hành các chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh; chủ động điều hành và điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chính phủ cũng chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn theo ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các định hướng và giải pháp lớn nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tuy đã được kiểm soát tốt ở trong nước nhưng vẫn rất nghiêm trọng trên thế giới, nhất là các đối tác đầu tư thương mại lớn của nước ta.
Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, yêu cầu quan trọng nhất đặt ra hiện nay là cần duy trì, củng cố nền tảng ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế nhất là an toàn xã hội, an toàn dịch bệnh, an ninh tài chính, tiền tệ; phản ứng chính sách nhanh, nhạy, kịp thời, chính xác nhằm chớp lấy thời cơ thuận lợi và nắm bắt, tận dụng được các cơ hội để phục hồi và phát triển.
Để thực hiện được những yêu cầu này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần kết hợp hài hòa giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, trong đó có tập trung hỗ trợ ngay cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, giảm thiểu tối đa việc phá sản các doanh nghiệp hoặc bị các nước ngoài thâu tóm với giá rẻ; nâng cao năng lực cạnh tranh và đủ sức tham gia được chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội sau khi Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực, chiếm lĩnh thị trường trong nước và khẩn trương rà soát, điều chỉnh, cơ cấu lại nền kinh tế và có tính đến những yếu tố mới trong bối cảnh mới...
Quyết liệt thu hút dòng đầu tư
Về dự báo tình hình và khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hiện tại quốc tế đã đưa ra các dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam và thế giới . Mức độ chính xác và tính khả thi của mỗi dự báo phụ thuộc vào các biến số kinh tế xã hội, thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 và khả năng sản xuất được vaccine và thuốc điều trị đặc trưng.
Theo dự báo chung, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng dương, đây là một dự báo tích cực đối với nền kinh tế nước ta, phản ánh hiệu quả các chính sách của ta trong thời gian qua là nhanh chóng kiểm soát, hạn chế tối đa được các thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, cũng là để hỗ trợ cho tăng trưởng góp phần nhanh chóng chuyển từ trạng thái cầm cự sang phục hồi và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang dần trở lại hoạt động bình thường nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, du lịch, vận tải hàng không …: “Qua kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm và dự báo tăng trưởng quý 2 thì chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, sức mua trong nước … vẫn đang còn ở mức thấp”, ông Dũng nêu rõ.
Hiện các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng mức độ tiếp cận giải pháp hỗ trợ của các doanh nghiệp còn rất khác nhau. Một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, còn khó tiếp cận.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc cần làm hiện nay của các cấp, ngành là tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn các giải pháp đã đề ra; tổ chức theo dõi, đánh giá hiệu quả từng giải pháp để từ đó đề xuất điều chỉnh, cần thiết cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng hợp tác đầu tư nước ngoài mới; tận dụng cơ hội về vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
“Hiện nay Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch. Tuy nhiên đúng như một số các đại biểu đã đề cập, để đón nhận được làn sóng đầu tư mới này nhất là thu hút được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn có rất nhiều việc cần phải làm, nhất là việc cải cách mạnh mẽ thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện như về hạ tầng, về đất đai, về lao động, về năng lượng, về quy hoạch”, Bộ trưởng khẳng định.
Để thực hiện được những yêu cầu này, theo ông Nguyễn Chí Dũng, các chính sách phải ổn định, nhất quán, các quyết định phải nhanh chóng, kịp thời; bên cạnh đó cần lựa chọn những dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị - những dự án có sức lan tỏa, gắn kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được tham gia vào các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới.
“Các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần chủ động hơn để tranh thủ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư; đồng thời cũng cần phải xem các nhà đầu tư cần gì để trao đổi, hợp tác, đáp ứng được các điều kiện mà họ mong muốn, mang lại những lợi ích cho cả hai phía trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để thu hút dòng đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi hoàn thiện các quy định, thực hiện quyết liệt cải cách, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực cho phát triển; tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật; giải quyết những vướng mắc trong thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới, giải quyết các bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, nhất là khu vực kinh tế tư nhân; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, trong đó tăng cường năng lực của nền kinh tế hỗ trợ cho phát triển từng ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, khơi dậy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế...
Với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.