Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) 7 tháng năm nay đạt 544,6 nghìn tỷ đồng, bằng 59,8% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo đại diện của Tổng cục Thuế, nguồn thu từ dầu thô lại giảm tới 33,9% so với cùng kỳ năm trước; nợ đọng thuế tăng khiến việc thu NSNN những tháng cuối năm gặp nhiều thách thức.
Giá dầu giảm, “thúc” tăng thu nội địa
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay: Trong tổng thu NSNN tháng 7/2015, thu nội địa ước đạt 73 nghìn tỷ đồng, tăng 57% so với tháng trước. Nguồn thu tăng chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II theo chế độ quy định. Lũy kế thu nội địa 7 tháng đạt 404,36 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Vietinbank và hải quan phối hợp thu ngân sách Nhà nước. Ảnh: Hoàng Hùng- TTXVN |
Mặc dù thu nội địa khởi sắc nhưng nguồn thu từ dầu thô vẫn giảm. Mặc dù sản lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam tăng nhưng giá dầu bình quân đã giảm 40 USD/thùng so với giá dự toán nên 7 tháng năm nay, nguồn thu chỉ đạt 42,27 nghìn tỷ đồng, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, dự toán thu NSNN năm nay là 911,1 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý là con số dựa trên cơ sở dự báo giá dầu thô thế giới năm nay là 100 USD/thùng. Tuy nhiên, thời gian qua giá dầu sụt giảm mạnh và dự kiến NSNN có thể bị hụt thu 30.000 tỷ đồng.
Một chuyên gia kinh tế ước tính, giá dầu thô giảm 1 USD/thùng thì thu ngân sách từ dầu thô giảm khoảng 1.000 tỷ đồng, ngoài ra còn tác động làm giảm thu từ khâu chế biến dầu, khí trong nước và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đối với xăng dầu. Trước khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Tổng cục Thuế phải đảm bảo thu nội địa tăng thêm ít nhất trên 10% nữa.
Mục tiêu trên để thực hiện phần lớn phụ thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp. Tính đến thời điểm ngày 20/7, Việt Nam có hơn 513 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,4% so với thời điểm cuối năm ngoái. “Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt, số doanh nghiệp thành lập mới, tăng vốn tăng cao, tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm”, đại diện Tổng cục Thống kê nói.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay: Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc doanh nghiệp gia nhập thị trường đang được cải thiện nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các giải pháp này cần tiếp tục phát huy mạnh trong những tháng cuối năm.
Kiên quyết xử lý DN nợ đọng thuế
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tổng nợ thuế toàn ngành tính đến cuối tháng 6 là 74.500 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2014. “Đây là tỷ lệ lớn ở mức không thể chấp nhận được. Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thuế, trong đó cưỡng chế và công khai tên doanh nghiệp”, Thứ trưởng Tuấn nói.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thu được 18.900 tỷ đồng tiền nợ thuế từ năm 2014 chuyển sang. Trong số 18.900 tỷ đồng thu nợ, có 15.400 tỷ đồng thu bằng biện pháp quản lý nợ, 3.500 tỷ đồng thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ. |
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến việc cưỡng chế nợ hiệu quả chưa cao là đang xảy ra tình trạng quyết định cưỡng chế nợ thuế được quy định có hiệu lực ngay từ ngày ký, nhưng lại có thể “giãn” thêm 5 ngày. Điều này dẫn tới tình trạng có khi dòng tiền của đơn vị cần cưỡng chế nợ có thể xuất hiện trong ngân hàng thì lại chưa có quyết định gửi tới. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Cần rà soát lại xem đúng hay không và phải sửa ngay nếu đang xảy ra.
Để thu hồi nợ thuế hiệu quả, ông Hải kiến nghị: “Cần bổ sung cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ quan thuế và ngân hàng theo phương thức điện tử. Ngay khi doanh nghiệp phát sinh nợ thuế, bất cứ ngân hàng nào trong hệ thống thực hiện thu ngân sách đều tự động trích số tiền nợ để nộp vào NSNN cho đến khi hết nợ; đồng thời tự hạch toán giảm trừ số nợ thuế trên hệ thống”.
Đồng tình quan điểm này, ông Lê Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa thừa nhận: Đây là vấn đề "nan giải" khi những khoản nợ phát sinh vẫn đang dày lên. Những biện pháp cưỡng chế hiện tại vẫn không thu được với một số doanh nghiệp. Vì vậy nên chăng áp dụng luật phá sản vào quy trình cưỡng chế nợ thuế? Cơ quan thuế với vai trò như một chủ nợ sẽ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến tòa án.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dự kiến thời gian tới, một trong những biện pháp đốc thúc thu hồi nợ là cơ quan thuế tiếp tục công khai thông tin về doanh nghiệp nợ thuế. Theo đó, dự kiến vào ngày 15 hàng tháng, ngành thuế sẽ phải công bố 3 danh sách: Danh sách các doanh nghiệp nợ thuế đến ngày thứ 61; các doanh nghiệp nợ thuế đến ngày thứ 91; các doanh nghiệp có nợ thuế đến ngày thứ 121. Đối với các trường hợp nợ thuế quá 121 ngày, cục trưởng cục thuế yêu cầu doanh nghiệp không được sử dụng hóa đơn. Tính đến nay, cục thuế các tỉnh đã ban hành hơn 400 quyết định cưỡng chế về phong tỏa tài khoản và dừng sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. “Tuy nhiên việc công bố danh sách sẽ phải được làm thận trọng, chính xác để tránh xảy ra trường hợp “bêu” nhầm tên doanh nghiệp, gây mất uy tín tới doanh nghiệp như thời gian qua”, đại diện Bộ Tài chính nói.