Hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh, thực hiện Quyết định số 355/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 135 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, với tổng kinh phí gần 45 tỷ đồng.
Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn nên anh Phạm Tuấn Hùng, ở phố Hàng Mã, thành phố Bắc Ninh chưa bao giờ nghĩ đến việc sở hữu một căn nhà khang trang. Năm 2018, với số tiền tích lũy, cùng nguồn vốn hỗ trợ 300 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh, đến nay, gia đình anh đã hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp tại chung cư Cát Tường ECO, giữa trung tâm thành phố Bắc Ninh.
Anh Phạm Tuấn Hùng cho biết, khi quyết định mua căn hộ này, gia đình anh thiếu một khoản tiền lớn và xác định đi vay thêm từ ngân hàng. Trước khi quyết định mua căn hộ tại chung cư Cát Tường ECO, gia đình anh Hùng cũng đã đi tham khảo quy trình vay của một số ngân hàng thương mại có cùng gói vay mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những ngân hàng này có lãi suất cao nên gia đình anh không có khả năng chi trả.
“Qua các kênh thông tin, gia đình tôi được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất thấp (4,8%/năm). Với sự hỗ trợ 300 triệu đồng vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình tôi đã có căn hộ mới khang trang ở trung tâm thành phố”, anh Hùng nói.
Anh Hùng khẳng định, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp các gia đình có thu nhập thấp hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp.
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thu Trang, giáo viên trường THPT Hoàng Quốc Việt, thành phố Bắc Ninh đang tất bật dọn dẹp, chuẩn bị đồ đạc chuyển qua căn hộ mới tại khu chung cư Hoàng Gia, thành phố Bắc Ninh.
Chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ, do phải sống chung trong ngôi nhà nhỏ với bố mẹ chồng tại xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh nên điều kiện sinh hoạt của gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, với đồng lương ít ỏi, việc mua một ngôi nhà, căn hộ riêng đối với vợ chồng chị là điều không thể.
Qua tìm hiểu thông tin từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh, năm 2018, gia đình chị Trang đã được ngân hàng cho vay 445 triệu đồng, cùng với số tiền tích lũy, gia đình chị đã mua được căn hộ gần 70 m2 tại chung cư Hoàng Gia, thành phố Bắc Ninh.
Theo chị Trang, căn hộ mới ở trung tâm thành phố Bắc Ninh, gần nơi công tác của vợ chồng chị, nên việc học hành, chăm sóc con cái được thuận lợi. Hiện lãi suất của Ngân hàng Chính sách Xã hội thấp, thủ tục đơn giản mà thời gian cho vay phù hợp, phần nào tạo động lực cho gia đình chị tiếp tục những mục tiêu lớn trong đời.
Chiếc “cần câu” tạo việc làm cho người lao động
Không chỉ hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp, nguồn vốn tín dụng chính sách còn là “chiếc cần câu” giúp cho hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh mở rộng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Từ năm 2016 đến nay, tại Bắc Ninh đã có 4,5 nghìn lượt khách hàng được vay vốn giải quyết việc làm với tổng số vốn vay là 215 tỷ đồng.
Nhờ vốn vay 40 triệu đồng từ chương trình cho giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh, gia đình chị Ngô Thị Liên, trú tại khu phố Y Na, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh đã đầu tư trồng đào Tết, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị lãi 70 triệu đồng/năm.
Chị Liên cho biết, trước đây, gia đình chị canh tác hơn 2 sào lúa, tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn, lúa thường xuyên bị mất mùa. Năm 2009, gia đình chị đã chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng đào. Tuy nhiên, do vốn đầu tư thấp, lại thiếu kỹ thuật chăm sóc nên ban đầu gia đình chị chỉ trồng số ít cây để thử nghiệm.
Theo chị Liên, thời điểm năm 2009, việc tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, bởi lãi suất ngân hàng cao, cộng với việc số vốn đầu tư lớn nên gia đình chị không “mặn mà” với việc mở rộng diện tích trồng đào. Điều đáng nói, có thời điểm việc trồng đào bị gián đoạn vì không có vốn để sản xuất.
Năm 2018, chị Liên biết đến nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội qua Chi Hội Nông dân khu phố Y Na. Có vốn trong tay, gia đình chị đã cải tạo 2 sào ruộng để trồng hơn 1.000 gốc đào. Nhờ sự chăm sóc đúng kỹ thuật, vụ đào Tết Nguyên đán 2018, trừ chi phí gia đình chị lãi 70 triệu đồng.
Đầu năm 2017, chị Lê Thị Mai được Tổ vay vốn khu Y Na, phường Kinh Bắc kết nối và “bén duyên” với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ nguồn vốn vay ban đầu 30 triệu đồng và số vốn tự có, chị Mai đã đầu tư phân bón để trồng hơn 800 gốc đào. Với sự cần mẫn đã giúp gia đình chị Mai có thu nhập khá từ việc trồng đào. Hiện nay, gia đình chị Mai đang tiếp tục làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mở rộng sản xuất.
Trong 5 năm (2014 - 2019), vốn tín dụng chính sách tỉnh Bắc Ninh đã giải ngân gần 2.500 tỷ đồng cho gần 101 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn giúp trên 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho gần trên 6.000 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm...
Ông Đàm Lê Văn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống. Đây là chủ trương đúng đắn phù hợp với “ý Đảng, lòng dân”, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đón nhận.
Theo ông Văn, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đến đúng người thụ hưởng, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, hộ vay vốn làm ăn có hiệu quả, từ đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi này giúp người nghèo nâng cao nhận thức, xóa bỏ mặc cảm, tự tin vay vốn làm ăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
“Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân trong việc bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, làm tốt việc tổ chức tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu”, ông Đàm Lê Văn chia sẻ.