Tín dụng ngân hàng tích cực hỗ trợ cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chi Minh, năm 2019, tín dụng ngân hàng đã tích cực hỗ trợ cho sự phát triển TP Hồ Chí Minh nên sang năm 2020, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng, không để DN thiếu vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dù chỉ tiêu tín dụng TP Hồ Chí Minh không cao.

Theo NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong năm 2019, hoạt động của ngành ngân hàng gặt hái nhiều kết quả tích cực. Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) và ngân hàng trên địa bàn đã đáp ứng tốt tín dụng cho các doanh nghiệp và các dịch vụ tài chính, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Nguồn vốn tín dụng cho vay đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã cho vay trên 8.500 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 303.427 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5-7%/năm (ngắn hạn) và 9% (trung dài hạn). Trong đó, chương trình cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đã giải ngân gần 164.000 tỷ đồng cho trên 31.500 khách hàng doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và DN ứng dụng công nghệ cao; Chương trình bình ổn giá thị trường đã cho vay 336 tỷ đồng với 26 DN; Chương trình cho vay kích cầu đạt trên 1.700 tỷ đồng với 24 dự án…

Để có được kết quả trên, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình cho vay, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2019, các ngân hàng tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện cho vay kết nối với gần 6.600 khách hàng DN với tổng số tiền cho vay đạt 205.078 tỷ đồng. Trong số này, số tiền giải ngân cho vay theo các gói tín dụng đã cam kết của từng NHTM đạt khoảng 186.500 tỷ đồng (với 5.400 doanh nghiệp); số tiền giải ngân theo các chương trình kết nối chuyên đề là 885,8 tỷ đồng (729 doanh nghiệp) và cho vay kết nối trực tiếp tại các quận, huyện đạt khoảng 16.700 tỷ đồng (4 doanh nghiệp).

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chi Minh cho biết, việc đáp ứng tốt nhu cầu nguồn vốn cho khách hàng, đặc biệt là cho các DN đã góp phần hỗ trợ chính quyền thành phố thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá, thúc đẩy nền kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, áp lực lớn liên tục gây sức ép đến dòng tiền cũng như các vấn đề về lãi suất và tỷ giá, nhưng toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ được ổn định và tăng trưởng nhờ cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng của NHNN tiếp tục phát huy hiệu quả, củng cố được niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.

Ngoài ra, việc ngành Ngân hàng đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu để giảm một phần lãi suất cho vay cũng khiến nguồn vốn tín dụng được đẩy ra thị trường tốt hơn, tăng thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn cho DN và người dân. Dự kiến, đến cuối năm 2020 TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 500.000 DN hoạt động. Ông Nguyễn Hoàng Minh cam kết, sẽ tiếp tục đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng, không để DN thiếu vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dù chỉ tiêu tín dụng TP Hồ Chí Minh không cao.

Tuy nhiên, điểm trọng tâm năm 2020 cần làm, theo ông Nguyễn Hoàng Minh là phải kiểm soát chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo đó, các TCTD cần phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để quản lý và thực hiện hiệu quả, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu phát sinh.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết đầu năm 2020, ngân hàng cũng đã cho ra mắt trung tâm khách hàng phía Nam nhằm phát triển các giải pháp tài chính, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của khách hàng phía Nam và cả khu vực Đông Nam Bộ với các phân khúc: DN lớn, DN FDI, DNNVV, cá nhân. Đây cũng là cơ hội cho khách hàng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hàng nhờ giảm thiểu các thủ tục hành chính, giúp khách hàng xây dựng các sản phẩm phù hợp để tăng hiệu quả nguồn vốn vay.

Trong năm 2020, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP Hồ Chí Minh (Cục 2) cũng đã được sáp nhập vào NHNN chi nhánh Thành phố. Do vậy, các hoạt động nghiệp vụ thanh tra cũng cần được đẩy mạnh, bao gồm cả việc tăng cường các đợt thanh tra đột xuất, kiểm tra giám sát hoạt động tái cấu trúc gắn với xử lý nợ xấu, cảnh báo tình hình nợ quá hạn phát sinh và lắng nghe xử lý kịp thời những kiến nghị góp ý từ các TCTD.

Ngoài ra, các năm tới, thị trường thanh toán sẽ có sự phát triển mạnh, xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, pháp lý về thanh toán cũng sẽ được NHNN hoàn thiện theo những lộ trình thích hợp. Vì thế việc kiểm tra, theo dõi và giám sát hoạt động thanh toán, đảm bảo an toàn an ninh thanh toán cũng cần được NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh và các TCTD quan tâm nhiều hơn để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm phát sinh.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Ngân hàng Shinhan được Standard & Poor’s đánh giá triển vọng phát triển ổn định
Ngân hàng Shinhan được Standard & Poor’s đánh giá triển vọng phát triển ổn định

Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam vừa được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (S&P) đánh giá xếp hạng tín nhiệm ở mức BB (ổn định) trong dài hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN