Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 4 vừa qua, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,17%, cao hơn nhiều mức 1,41% của cùng kỳ năm trước. Con số này thể hiện nhu cầu vốn đang tăng mạnh mẽ, nhằm đáp ứng sự trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Số liệu Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, dù làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng sản xuất trong nước vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan nhờ sự phục hồi của cầu tiêu dùng từ thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh gần 10% và có thể đạt mức 17-18% trong các tháng cuối năm.
Để chuẩn bị nguồn vốn đón đầu cơ hội đầu tư, kinh doanh, một loạt ngân hàng từ ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đến ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ tại mùa đại hội cổ đông vừa qua.
Trong số đó có những ngân hàng nhiều năm không chi trả cổ tức nhằm tích luỹ lợi nhuận như Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng lên phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ. Hiện ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ hơn 37.234 tỷ đồng lên trên 48.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định của các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại của năm 2019 sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định.
Sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian này để bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu 8% theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II; trong đó, CAR là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại. Hệ số này càng cao đồng nghĩa với tiềm lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng của ngân hàng càng lớn.
Trong bối cảnh dịch bệnh khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên, việc tăng vốn điều lệ giúp các ngân hàng đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng. Đồng thời, nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm dự phòng rủi ro tín dụng, từ đó xem xét nâng hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng uy tín.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn cũng như thúc đẩy cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng lộ trình 3 năm trích dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng dịch bệnh theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Quy định này sẽ giúp các ngân hàng tránh tình trạng chi phí trích lập dự phòng dồn vào năm 2021
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, các ngân hàng không nên chủ quan với việc trích lập dự phòng, bởi việc trích lập dự phòng thường dồn vào báo cáo tài chính những quý cuối năm. Nếu ngân hàng không chủ động trích lập dự phòng từ bây giờ sẽ sớm phải đối mặt với rủi ro tăng sốc cả về nợ xấu lẫn trích lập dự phòng.
Thực tế, dữ liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Agribank cho thấy, tổng nợ xấu theo báo cáo tài chính quý I năm 2021 của 26 ngân hàng có công bố thông tin này đã tăng 5,3% nhưng chi phí dự phòng đi ngang. Lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong quý tăng mạnh khoảng 80% chủ yếu nhờ mở rộng biên lãi ròng (NIM) lên 4,3%, tăng nguồn thu hoạt động dịch vụ và chính phần chênh lệch trích lập dự phòng do các ngân hàng chưa đưa vào báo cáo tài chính.
Năm 2021, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 12%, trên cơ sở cải thiện không ngừng hệ số NIM và CAR, các ngân hàng đang nộp đơn về Ngân hàng Nhà nước xin nới room, điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Việc nới room trong khi chi phí huy động tiếp tục giảm mà lợi suất cho vay đầu ra chưa có dấu hiệu giảm tương ứng sẽ giúp các ngân hàng thêm nguồn vốn tốt để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng, phục vụ sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thời gian tới, bên cạnh nền tảng tăng trưởng từ hoạt động tín dụng, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta nhận định, phí trả trước từ các thương vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) độc quyền và doanh thu bancassurance cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng. Đáng chú ý là một làn sóng tái đàm phán các thương vụ bancassurance độc quyền sẽ diễn ra đến cuối năm 2021 giúp các ngân hàng ghi nhận khoản phí trả trước và hoa hồng cao hơn trong tương lai.