“Tín hiệu thị trường tài chính phản ánh xu hướng lãi suất hạ nhiệt”

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong vài tuần lại đây đã giảm mạnh, nhiều cuộc gọi thầu trái phiếu Chính phủ đã thành công với mức lãi suất chưa đến 13%/năm. Trước những diễn biến khá tích cực của thị trường tài chính Việt Nam, phóng viên Tin Tức đã trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa (ảnh), Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về bản chất của các hiện tượng này.


Ông có thể lý giải một hiện tượng đáng chú ý của thị trường tài chính trong thời gian gần đây là lãi suất huy động và cho vay ở mức cao nhưng nhiều đợt gọi thầu trái phiếu Chính phủ lại thành công ở mức lãi suất chưa đến 13%/năm?

Hiện tượng trên là kết quả của các nguyên nhân như lãi suất vay vốn quá cao, doanh nghiệp (DN) không vay vốn. Thứ hai là các kênh tín dụng như bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng bị siết chặt nên nguồn vốn mà các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động được đang bị “ế”. Bên cạnh đó, nhiều NHTM cũng đã gần hết room tăng trưởng tín dụng 20% (chỉ tiêu năm 2011). Hoạt động chủ yếu của ngân hàng là huy động vốn về để cho vay lại, nay vốn đã huy động được mà không thể cho vay lại được thì các NHTM thừa vốn đành mua trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất thấp (12,7%) để sau này lúc cần vốn lại mang đi chiết khấu trên thị trường mở để kinh doanh sẽ đỡ lỗ. Điều này cũng lý giải vì sao lãi suất liên ngân hàng gần đây đã giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 11%.

Tuy nhiên, lãi suất huy động trên thị trường vẫn được các NHTM duy trì ở mức cao. Tại sao các ngân hàng lại đi vay vốn giá cao để kinh doanh vào kênh có mức lãi suất thấp, thưa ông?

Đúng là có nghịch lý trên, các NH phải huy động vốn giá cao và kinh doanh ở kênh lợi nhuận thấp, vậy mà không một NH nào dám hạ lãi suất huy động. Đơn giản vì các NHTM sợ nếu hạ lãi suất huy động thì khách hàng cũ (đang gửi tiền) sẽ chạy sang các NH khác. Vì thế, các NH đang phải gồng mình giữ khách, chờ đợi NH khác cùng hạ lãi suất huy động mới dám hạ theo.

Vậy những hiện tượng trên của thị trường tín dụng sẽ dẫn tới xu hướng gì trên thị trường này trong thời gian tới, thưa ông?

Tôi cho rằng đây là dấu hiệu của việc lãi suất huy động sẽ giảm trong những tháng tới đây. Bao giờ cũng vậy, chúng ta phải nhìn vào lãi suất trái phiếu Chính phủ, vì đây là đường cong lãi suất chuẩn của thị trường tài chính. Đường cong đã cho một chỉ báo rất rõ ràng, lãi suất sẽ vào khoảng 12 – 13% trong thời gian tới.

Nếu lãi suất giảm, ông có lo ngại thị trường lại tái diễn hiện tượng tiền không đầu tư vào sản xuất mà lại chảy sang các kênh sinh lời khác như bất động sản, chứng khoán… Ủy ban Giám sát tài chính đã lường tới kịch bản này chưa, thưa ông?

Đúng là chúng ta phải cảnh giác, nếu tín dụng nới lỏng quá mức, toàn bộ công lao thắt chặt tiền tệ của 5 tháng vừa rồi sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Tuy nhiên, vấn đề tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán không đáng lo vì chủ trương vẫn là siết chặt tín dụng với lĩnh vực phi sản xuất, tín dụng trong lĩnh vực này vẫn phải giảm về 16% vào thời điểm 31/12/2011.

Chúng tôi cũng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước lưu ý: Vấn đề cảnh giác trước hết là hiện tượng cung USD ảo sẽ biến thành cầu thật trong những tháng cuối năm. Đó là việc do VND khan hiếm, lãi suất cao, các DN có xu hướng vay USD để bán lấy VND. Hiện nay, đây là nguồn cung ảo nhưng đáng lo là nó sẽ biến thành cầu thật vì vào thời điểm cuối năm, khi các hợp đồng vay USD đáo hạn, các DN phải mua USD để trả nợ ngân hàng, lúc đó sẽ tạo sức ép lên tỉ giá hối đoái, gây tác động không mong muốn tới nhiều lĩnh vực kinh tế.

Ủy ban nhận thấy có hai vấn đề cần phải đặc biệt lưu ý trong việc điều hành thị trường tín dụng từ nay đến cuối năm: Một là, điều tiết hiệu quả thị trường ngoại hối để không gây sức ép lên tỉ giá vào thời điểm cuối năm. Hai là, duy trì tốc độ cung tiền hàng quý cho tương thích với chu kỳ kinh doanh, nuôi dưỡng các DN cho đến khi lãi suất giảm, DN có thể hoạt động bình thường trở lại.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN