Gang, thép, sắt, than tăng trưởng tốt
Theo phân tích của VDSC, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai khoáng tăng 2%, chế biến chế tạo tăng 10,5% và sản xuất, phân phối điện tăng 9,4%. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 9,2% , thấp hơn cùng kỳ 2018 (10,7%) nhưng cao hơn các năm trước đó.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng khá tốt. Nguyên nhân là sự dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động sản xuất sản phẩm đồ gỗ, dệt may và máy móc, thiết bị, Bên cạnh đó, các đại dự án lọc dầu Nghi Sơn và sản xuất gang thép Formosa vận hành từ giữa năm trước nên sẽ đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng, ít nhất về mặt số liệu cho tới hết quý 2/2019.
Ngoài ra, các chuyên gia chứng khoán – tài chính cũng ghi nhận những đóng góp tích cực từ hoạt động khai khoáng, gồm khai thác than; khai thác quặng và khoáng sản. Đối với mặt hàng than, nhu cầu than cho sản xuất điện, xi măng, phân bón hoá chất cùng với sự chênh lệch giá than trong nước và giá than nhập khẩu ở mức cao, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của ngành này.
Theo báo cáo từ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), sản lượng than khai thác trong quý 1/2019 đạt gần 10,8 triệu tấn, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất trong nước, các nhà cung cấp vẫn phải nhập khẩu than, đặc biệt từ Indonesia, để pha trộn nhằm đảm bảo nguồn cung than đạt chất lượng cho ngành điện.
Ngoài ra, hoạt động khai thác quặng và khoáng sản, đặc biệt sản phẩm quặng sắt từ mỏ Quý Sa (Lào Cai) được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, khi Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu hơn 300 nghìn tấn quặng sắt sang thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh mặt bằng giá quặng sắt thế giới tăng cao, đây cũng là một trong những giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn và vực dậy doanh nghiệp này.
Về ngành sản xuất sản phẩm điện tử và linh kiện, kết quả cũng chưa khả quan hơn khi chỉ số sản xuất công nghiệp tại Bắc Ninh giảm 11,9% so với cùng kỳ, còn Thái Nguyên tăng khiêm tốn 7,3% trong 4 tháng đầu năm. Xét riêng sản phẩm điện thoại có giá dưới 3 triệu đồng và trên 6 triệu đồng tăng khá trong khi điện thoại giá trong khoảng 3-6 triệu đồng giảm.
Cuối cùng, tốc độ tăng trường ngành sản xuất và lắp ráp xe có động cơ (đạt 18,6% so với cùng kỳ) có phần sụt giảm so trong bối cảnh lượng ô tô nhập khẩu tăng cao đột biến. Trong 4 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 2,4 tỷ USD, tăng 95,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lượng ô tô nhập khẩu từ thị trường ASEAN và EU lần lượt tăng 620% và 715%.
Cẩn trọng điều tiết nhóm tiêu dùng và vận tải
Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,9% so với cùng kỳ, trong đó nhóm giao thông tăng mạnh nhất do 2 đợt điều chỉnh giá xăng và nhu cầu đi lại trong dịp lễ. Việc tăng giá điện vào cuối tháng 3 cũng đẩy nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6%. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,7%, mức thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Theo các nhà phân tích chứng khoán – tài chính, mặc dù lạm phát nhìn chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát sau 4 tháng đầu năm nhưng áp lực tăng lạm phát trong các tháng tiếp theo vẫn còn rất rõ nét, chủ yếu đến từ 3 mặt hàng thiết yếu, giá xăng dầu; viện phí và giá thịt heo.
Cụ thể, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đang có xu hướng tăng nhanh trong các đợt điều chỉnh gần đây. Kể từ sau kỳ nghỉ lễ, giá xăng RON 95 đã tăng trên 25% so với năm ngoái. Mặc dù bình quân giá dầu thô thế giới đang thấp hơn so với cùng kỳ 2018, giá nguyên liệu này vẫn đang trong xu hướng hồi phục mạnh do nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và lệnh trừng phạt từ Mỹ lên Iran, Venezuela.
Đáng chú ý hơn là việc Quỹ bình ổn xăng dầu của Việt Nam đang dần cạn kiệt. Theo ghi nhận, số dư quỹ tại 2 doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn là Petrolimex và PVOil đang bị âm. Do đó, áp lực tăng giá bán lẻ trong nước trong các tháng tới sẽ rất lớn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia chứng khoán – tài chính cũng nhấn mạnh nỗ lực kiểm soát lạm phát kỳ vọng của Chính phủ khi trong 4 tháng đầu năm, viện phí gần như ít thay đổi. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm giữ ở mức thấp. Nhìn lại số liệu, chi phí y tế đã đóng góp gần 50% tổng mức tăng giá tiêu dùng nói chung trong 4 tháng đầu năm 2017-2018. Con số này trong năm 2019 chỉ trên 1%. Tuy nhiên, lộ trình tăng viện phí chưa kết thúc.
Cuối cùng, giá thịt lợn dần ổn định và hồi phục sau giai đoạn lao đao trước đó do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi. Giá lợn sẽ giảm khi dịch bệnh bùng phát do lo ngại của người dân và hồi phục, tăng mạnh trở lại khi nguồn cung sụt giảm. Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước giảm 0,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung có thể phức tạp hơn do trong 2 năm gần đây, ngành chăn nuôi lợn liên tục chao đảo do dịch bệnh và giá giảm sâu.