Tính toán giảm cước vận tải đường bộ

Thiếu kết nối chiều đi chiều về khiến tỷ lệ xe chạy rỗng quá cao, quy mô hoạt động doanh nghiệp nhỏ, chi phí đầu vào chưa hợp lý... là những nguyên nhân khiến giá cước vận tải đường bộ quá cao. Thực tế này đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động thị trường vận tải tại nước ta.

70% xe hàng “rỗng” một chiều

Dịch vụ chạy xe taxi từ trung tâm Hà Nội ra sân bay Nội Bài lâu nay vẫn có giá mặt bằng khoảng 300.000 đồng cho cả 2 chiều đi và về, nhưng nếu chỉ chạy chiều đi khách cũng phải trả tới 250.000 đồng.

Lái xe Nguyễn Văn Tiến của hãng taxi Hoàn Kiếm cho hay: “Hãng taxi nào cũng vậy. Vì chiều về nếu không có khách, sẽ phải chạy rỗng, lái xe còn mất thêm chi phí xăng dầu, phí ra vào sân bay, thu không đủ bù chi…”.

Qua tìm hiểu, không chỉ hoạt động vận tải hành khách bằng taxi đường dài, mà đa phần vận tải hàng hóa bằng xe tải chạy tuyến cố định cũng trong tình trạng tương tự. Doanh nghiệp vận tải, lái xe đều hợp đồng vận chuyển hàng hóa với khách hàng đến điểm trả hàng một chiều, còn chiều về để xe chạy rỗng.
Theo Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà (Hà Nội) Hoàng Quang Ngọc, từ trước đến nay, tỷ lệ xe chạy “rỗng” chiều về của các doanh nghiệp luôn ở mức cao. Thậm chí ở các tuyến ngắn dưới 300 km, tỷ lệ xấp xỉ 100%. Chi phí này ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ vận tải. Đối với doanh nghiệp, khi chạy “rỗng” chiều về, thường áp giá tương đương khoảng 60 - 70% tổng mức giá cước, vì người có nhu cầu vận chuyển sẽ phải chịu toàn bộ chi phí chiều “rỗng”.

Đưa sàn giao dịch vận tải vào hoạt động sẽ giúp giảm chi phí vận tải hàng hóa.

Trao đổi vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Đa số các doanh nghiệp vận tải hiện nay có quy mô nhỏ, nên không xây dựng được thương hiệu, tỷ lệ xe chạy rỗng cao, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp, trong khi chi phí vận tải đường bộ ngày càng tăng. Qua khảo sát một số đơn vị vận tải, các chi phí khiến giá cước vận tải đường dài cao là: Nhiên liệu (chiếm 35 - 50%), nhân công (chiếm 15 - 20%), phí cầu đường (chiếm 10 - 15%), vật tư phụ tùng (chiếm khoảng 7 - 10%)… Ngoài ra, trong các năm gần đây phát sinh thêm phí bảo trì đường bộ và tăng phí cầu đường các dự án BOT. Lý giải về nguyên nhân làm tăng chi phí vận tải đường bộ, bà Hiền đưa ra tính toán của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, có khoảng 70% số chuyến xe chở hàng hóa một chiều và chạy rỗng chiều về, làm đội chi phí vận tải thêm khoảng 30%.

Điều này lý giải vì sao giá cước vận tải đường bộ hiện nay vẫn “cố thủ” ở mức cao, mà người chịu thiệt chính là người tiêu dùng. Chưa kể, một nghịch lý mà các cơ quan chức năng cần siết chặt để tạo thị trường kinh doanh vận tải bình đẳng, công bằng, đó là tình trạng bên cạnh các doanh nghiệp vận tải chạy chiều về rỗng chủ yếu là doanh nghiệp có ít đầu xe, thiếu kết nối với khách hàng để có nguồn hàng và hành khách chạy chiều về, nhiều nhà xe vẫn vận chuyển hai chiều nhưng cố tình “khai báo” chiều về chạy rỗng để trốn thuế…

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến 30/6/2016, cả nước có trên 24.580 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, với số lượng phương tiện trên 219.0 xe ô tô. Đa số các doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, thậm chí nhiều đơn vị vận tải chỉ có 1 - 2 xe ô tô, nên không xây dựng được thương hiệu, hoạt động chủ yếu dựa vào khách hàng quen thuộc.

Còn theo các chuyên gia giao thông, chính quy mô của các doanh nghiệp vận tải nhỏ, khiến các đơn vị không tổ chức được mạng lưới kinh doanh liên kết, không có kênh thông tin để giao tiếp với khách hàng, nên tỷ lệ xe chạy rỗng và hệ số lợi dụng trọng tải thấp, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xe ô tô khách loại dưới 25 chỗ, xe tải trọng dưới 10 tấn, xe cũ gia tăng, cũng làm tăng chi phí vận tải do chi phí sửa chữa đột xuất, mức tiêu hao nhiên liệu tăng, thời gian chạy bị kéo dài…

Rà soát phí và giá, tái cơ cấu vận tải

Để khắc phục những nguyên nhân làm tăng chi phí vận tải đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất đẩy nhanh lộ trình thực hiện tái cơ cấu vận tải, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực để điều tiết hoạt động vận tải giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy), nhằm kéo giảm giá thành vận tải. Theo đó, Tổng cục Đường bộ cho rằng, liên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - Tài chính cần nghiên cứu giảm các loại phí, thuế nhập khẩu phương tiện, chi phí nhiên liệu... hiện nay chưa hợp lý.

Tổng cục Đường bộ cũng vừa có kiến nghị Bộ GTVT giao Tổng cục phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xây dựng Đề án rà soát phí và giá trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, trong đó tập trung vào khảo sát chi tiết về cách tính giá cước hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về giá, phí liên quan đến vận tải ô tô, đề xuất giải pháp cụ thể giảm đối với từng khoản mục cấu thành giá cước vận tải.

Khẳng định thị trường vận tải bằng xe ô tô hiện nay “manh mún”, với trên 70% đơn vị kinh doanh vận tải nhỏ lẻ dưới 5 đầu xe, bà Hiền cho hay, Bộ GTVT cần sớm ban hành quy định về phân hạng doanh nghiệp vận tải. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải có quy mô phương tiện lớn, hoạt động bài bản, có thương hiệu hoặc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ liên doanh, liên kết, để từ đó làm giảm chi phí quản lý hoạt động vận tải. Việc sớm đưa các sàn giao dịch vận tải tại các thành phố lớn vào hoạt động, nhằm tạo thị trường kết nối giữa người vận chuyển và người có nhu cầu vận chuyển, hạn chế chiều về chạy rỗng cũng là giải pháp hữu hiệu hiện nay để khai thác hợp lý vận tải đa phương thức. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát triển hệ thống bến xe hàng, trung tâm thu gom hàng để giảm chi phí vận tải hàng hóa có quy mô lớn, nhằm tăng năng suất vận chuyển hàng hóa, tiến tới giảm chi phí vận tải.

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, với phương châm xây dựng một Chính phủ lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT đề xuất các giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải đường bộ cho người dân và doanh nghiệp. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thực hiện các giải pháp giảm chi phí vận tải bằng xe ô tô. Hy vọng chi phí vận tải sẽ sớm được kéo giảm để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, giúp người dân thuận tiện và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải lớn mạnh, hoạt động hiệu quả hơn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Sớm đưa các sàn giao dịch vận tải vào hoạt động 

Dự kiến, trong năm nay, hai sàn giao dịch vận tải sẽ chính thức hoạt động ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau đó sẽ nhân rộng thêm tại các địa phương. Giai đoạn đầu đi vào hoạt động, Tổng cục tạo mọi điều kiện kết nối các Sở GTVT với doanh nghiệp, chủ hàng. Ngoài ra, Tổng cục cũng sẽ tiếp tục đề xuất liên Bộ GTVT - Tài chính ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy việc giao dịch vận tải qua sàn, nhằm thực hiện chủ trương công khai, minh bạch trong hoạt động vận tải, thúc đẩy thị trường vận tải phát triển lành mạnh. 

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh: Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào quản trị doanh nghiệp 

Các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ để quản lý chặt chi phí đầu vào, lái xe, phương tiện hiệu quả hơn. Sở dĩ việc kéo giảm chi phí vận tải hiện nay gặp nhiều khó khăn là do hạ tầng giao thông, cơ chế quản lý chưa minh bạch, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh như: Chở hàng quá tải, xe dù, xe trá hình… ảnh hưởng đến việc khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao quy mô, năng lực quản trị. Do đó, nếu áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận tải sẽ giúp Nhà nước giám sát được giá cước vận tải. 

Giám đốc Sàn giao dịch vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam – Vinatrucking Tạ Công Thuận: Thấy rõ lợi ích của sàn giao dịch vận tải 

Thực tế hoạt động của sàn giao dịch vận tải mang lại rất nhiều lợi ích. Nếu giao dịch thành công qua sàn, đảm bảo hàng hóa hai chiều, có thể giảm tới 30% chi phí. Chẳng hạn, một chuyến xe container 40 fit đi từ Lạng Sơn vào Bình Thuận, nếu có hàng cả hai chiều, chi phí chỉ khoảng 40 triệu đồng/chuyến. Trong khi, nếu chỉ có hàng một chiều, mức giá thường đội lên tới 60 triệu đồng/chuyến. Việc kết nối được phương thức vận tải đường bộ - đường thủy cũng được coi là giải pháp quan trọng. Một chuyến hàng về cảng nếu có ngay phương tiện vận chuyển chờ nhận hàng đưa về nội địa, thay vì phải điều xe từ chân hàng đến cảng để vận chuyển…


Đăng Sơn
Hà Nội điều chuyển tuyến vận tải liên tỉnh - Bài 1
Hà Nội điều chuyển tuyến vận tải liên tỉnh - Bài 1

Sau khi giải tỏa bến xe Lương Yên, điều chuyển phương tiện về ba bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm và Nước Ngầm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tiếp tục rà soát sắp xếp lại một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy các tỉnh phía Nam: Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đăk Lắk từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Đây được xem như một giải pháp để giải quyết tình trạng “loạn” luồng tuyến và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Thế nhưng, phương án Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra lại chưa được các địa phương và doanh nghiệp vận tải đồng tình, chấp thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN