DN tổn thất trên 9.300 tỷ đồng
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, lượng thép nhập khẩu tăng đột biến. Cụ thể, năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1.745.950 tấn, trong đó, tôn mạ nhập khẩu chiếm 37% sản lượng tiêu thụ, đến năm 2014 con số này là 43%. Trong 8 tháng đầu năm 2015, thị phần tôn thép nhập khẩu chiếm đến 57% và các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước chỉ còn chiếm 43%, giảm 20% so với năm 2013. Theo ước tính, DN sản xuất trong nước bị tổn thất 9.351 tỷ đồng chỉ trong 8 tháng đầu năm 2015.
Nhiều công ty sản xuất thép trong nước đang đứng trước sự cạnh tranh từ mặt hàng tôn, thép giả, kém chất lượng. Ảnh chụp tại Công ty cổ phần thép Việt - Đức tại khu Công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, vấn nạn tôn giả, tôn nhái, gian lận thương mại được biểu hiện qua việc lấy thương hiệu của các nhà sản xuất tôn có uy tín để in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều mặt hàng tôn còn bị gian lận về độ dày, nhập hàng Trung Quốc kém chất lượng rồi in nhãn mác của DN có uy tín tại Việt Nam và bán ra thị trường không có hóa đơn với giá thấp hơn nhiều.
Đại diện phía DN trong nước, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, hình thức gian lận chủ yếu mà các cơ sở kinh doanh tôn giả “móc túi” người tiêu dùng là độ dày và chất lượng... Ví dụ như dòng in ghi trên tấm tôn là 4 dem (độ dày) nhưng thực tế chỉ có 2,5 - 3 dem tức là bớt xén 25% độ dày để lừa người tiêu dùng, kiếm lời bất chính. Hoặc gian lận về độ dày lớp mạ từ 70 g hợp kim nhôm kẽm/m2 tôn còn 30 g, gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của tấm tôn. Bên cạnh đó, nếu tôn kém chất lượng, độ dày sơn quá mỏng thì khả năng chống chịu với môi trường bên ngoài sẽ kém, dẫn đến phai màu, rỉ sét, bong tróc... làm giảm tuổi thọ từ 10 năm chỉ còn 5 - 7 năm.
Chế tài mạnh và kiểm tra nghiêm ngặt
Trước hiện trạng trên, theo các DN, cần có chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý triệt để đối với cơ sở sản xuất và kinh doanh gian dối, kiếm lời bất chính. Nhà nước cần thực hiện quản lý chất lượng thép nhập khẩu một cách chi tiết.
“Hiện nay chúng ta đã có quy định về nhãn hàng hóa nhưng mặt hàng tôn tráng, phủ, mạ có đặc thù là dạng cuộn nên có thể cắt rời thành nhiều phần. Nhãn hàng hóa của mặt hàng này chỉ thể hiện dưới nhãn dán trên bao bì cuộn tôn, còn trên bề mặt thì không thể hiện hoặc thiếu thông tin sản phẩm. Điều đó tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân in thông tin sai lệch kiếm lời bất chính. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định in thông tin sản phẩm trên bề mặt tôn, lặp lại suốt chiều dài sản phẩm”, đại diện Tập đoàn Hoa Sen kiến nghị.
Cũng theo DN này, các nước trên thế giới đã và đang kiểm soát chất lượng tôn thép rất chặt chẽ, bản thân các DN Việt Nam khi xuất khẩu đều phải chấp nhận và tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Nếu như Indonesia, Malaysia đều có bộ tiêu chuẩn riêng thì Việt Nam nên xem xét ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về chất lượng tôn thép để tránh tình trạng hàng nhập khẩu kém chất lượng tràn lan vào Việt Nam.
Đứng trên góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết, các mặt hàng tôn,thép giả nhất là thép xây dựng có liên quan đến chất lượng công trình, an toàn của người sử dụng nên các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương tiếp tục mở đợt kiểm tra trên diện rộng để phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật.
Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT - BCT - BKHCN, trong đó bổ sung điều quy định một số loại thép hợp kim phải công bố tiêu chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế, không cho công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở để tránh tình trạng nhập khẩu các loại thép kém chất lượng như vừa qua. |
Đối với hành vi giả nhãn hiệu, tôn mỏng nhưng ghi trên nhãn hiệu tôn dày hơn để lừa dối người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính, đã đủ dấu hiệu cho thấy đây là hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả nhãn hiệu hàng hóa, về nhãn hàng hóa và về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy cần xử lý mạnh tay hơn, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển sang cơ quan điều tra xem xét.
Về phía DN, cần có thông tin đến người tiêu dùng dấu hiệu để phân biệt hàng giả với hàng thật mình sản xuất. Áp dụng các biện pháp chống hàng giả và biện pháp kỹ thuật để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm chính hiệu.
Ông Kiều Dương, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, tôn và sắt thép là những mặt hàng trọng yếu nhưng hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng này chưa được quan tâm đúng mức. Đây là mặt hàng có nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng của hàng triệu tấn thép tung ra thị trường hàng năm. Việc áp mã để tính thuế đối với mặt hàng tôn, thép nhập khẩu và ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu còn nhiều vướng mắc nên việc kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa nhập khẩu chưa đạt hiệu quả cao.
Để ngăn chặn, xử lý các vi phạm gian lận thương mại, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhằm chống hàng giả, hàng nhái để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo định của pháp luật.