Chương trình được triển khai từ ngày 15/7/2016 trên phạm vi toàn quốc và được bình chọn sôi nổi tại 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại Lễ tôn vinh, ông Hồ Xuân Hùng- Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết: “Nhiều tập thể, cá nhân đã và đang có những hướng đi đúng đắn, đầu tư trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi tin tưởng rằng, chương trình này sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung và đặc biệt là các sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Đại diện Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam và Hội Nông dân trao giải cho các doanh nghiệp. Ảnh: PV |
Cũng theo ông Hồ Xuân Hùng, Lễ tôn vinh hôm nay còn là dịp để khuyến khích, cổ vũ và động viên các doanh nhân, doanh nghiệp đang tích cực hỗ trợ cho người nông dân trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả.
Trong khuôn khổ của buổi lễ Tôn vinh này Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp” đã được tổ chức. Chia sẻ tại buổi Tọa đàm này, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn cho hay, nông nghiệp vốn bị coi là lĩnh vực đem lại lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro, nhiều khó khăn nhất là về thị trường tiêu thụ và tư liệu sản xuất – tức là đất đai. Đối với người nông dân hiện nay vẫn còn 3 cái thiếu và cần đó là: Vốn; khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất; thị trường. Để giải quyết hai khó khăn trên thì việc quan trọng là phải đẩy liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa doanh nghiệp với nhà khoa học. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đây là sự đầu tư cốt lõi. Đây cũng là những việc mà Công ty Mía đường Lam Sơn đã và đang đẩy mạnh thực hiện trong thời gian vừa qua.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, thế nhưng sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Do đó để nâng cao giá trị xuất cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm cho các mặt hàng nông sản. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải đóng vai trò đầu tàu trong xây dựng chuỗi kết nối, đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào nông nghiệp đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi.