Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa hoc công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trong năm qua việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính của Tổng cục được đặc biệt chú trọng quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đa dạng hóa nguồn ngân sách để chi cho phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, sử dụng điện toán đám mây, xây dựng phần mềm. Phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin- Bộ Giao thông vận tải xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu số; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đặc biệt là chú trọng đảm bảo an toàn an ninh mạng, đảm bảo an toàn cho các phần mềm, ứng dụng triển khai.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đường bộ, đến nay đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực: Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, quản lý giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện. Tổ chức cập nhật dữ liệu tại Hệ thống thông tin báo cáo Bộ Giao thông Vận tải theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 22/4/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước theo tiến độ yêu cầu.
Hệ thống một cửa, một cửa điện tử liên thông cung cấp 57 thủ tục hành chính với tỷ lệ kết quả hồ sơ thủ tục hành chính trả cho người dân, doanh nghiệp đúng hạn đạt 100%. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng và cung cấp các thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; nâng cấp 5 thủ tục hành chính từ mức độ 2 lên mức độ 4.
"Qua quá trình triển khai, bài học lớn rút ra để có thể thực hiện có kết quả việc xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số là cần có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng Chính phủ điện tử cần đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện, không chỉ trông chờ nguồn ngân sách phân bổ mà kêu gọi đầu tư để triển khai các ứng dụng, phát triển nền tảng phân tích dữ liệu chuyển đổi số", ông Tô Nam Toàn nhận định.
Cũng theo ông Tô Nam Toàn, để tiếp tục phát triển, thực hiện hiệu quả này, trong năm tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị trực thuộc cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động cũng như người dân về chuyển đổi số. Các đơn vị cũng cần rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi bổ sung, tạo cơ chế cho phát triển chuyển đổi số...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành đường bộ trong năm qua. Năm 2021 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành giao thông vẫn tải nói chung, ngành đường bộ nói riêng vẫn thực hiện tốt mục tiêu kép. Những thành tựu nổi bật ngành giao thông vận tải đạt được trong năm nay có sự đóng góp rất lớn của lĩnh vực đường bộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
"Đặc biệt là trong phối hợp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, vào những đợt cao điểm tại các tỉnh phía Nam, ngành đường bộ luôn có mặt kịp thời, nắm bắt và có những quyết sách đúng đắn, đã duy trì được chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức điển hình như lực lượng thanh tra giao thông cả ngày cả đêm thức trực 24/24 phối hợp với các lực lượng duy trì chốt kiểm dịch tốt, không để ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch", Thứ trưởng Thọ cho biết.
Năm 2021, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng có chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí, ngoài phòng chống dịch, ngành Đường bộ cũng quan tâm đến công tác này. Đặc biệt, năm 2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm tốt công tác xây dựng Chính phủ điển tử cũng như dự án thu phí điện tử không dừng (ETC).
Trong năm 2022, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngay sau Tết Dương lịch cần tập trung phối hợp với Bộ Công an sửa Luật Giao thông đường bộ, sửa đổi gắn với Luật Đảm bảo an toàn giao thông, phối hợp xây dựng 2 bộ luật một cách chất lượng nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước, tránh chồng lấn.
Về quy hoạch ngành quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không được "ngủ quên" trên thành tích, phải tiếp tục xây dựng quy hoạch chi tiết, quản lý các quy hoạch và triển khai hiệu quả, nghiên cứu phân cấp, phân quyền cho phù hợp.
Đồng thời, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển hiện đại hoá, đổi mới trang thiết bị, công nghệ phục vụ bảo trì bảo dưỡng đường bộ; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng xử lý tốt về vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện.