Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2021 ước tính đạt 397,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.128,5 nghìn tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,4%.
Xét theo ngành hoạt động trong doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2021 có ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 4,9%; phương tiện đi lại giảm 6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 11,4%; may mặc giảm 12,4%.
Tổng cục Thống kê cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng so với cùng kỳ năm 2020 của một số địa phương như: Hà Nội giảm 1,5%; Cần Thơ giảm 3,1%; Khánh Hòa giảm 15,3%; TP Hồ Chí Minh giảm 24,8%; Đà Nẵng tăng 1,1%; Quảng Ninh tăng 1,6%; Đồng Nai tăng 2,5%; Bình Dương tăng 4,6%; Hải Phòng tăng 8,5%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm nay của hầu hết các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: Hải Phòng giảm 7,3%; Quảng Ninh giảm 11,8%; Cần Thơ giảm 14,5%; Hà Nội giảm 16,1%; Đà Nẵng và Đồng Nai cùng giảm 21,5%; Thừa Thiên - Huế giảm 21,8%; Bình Dương giảm 24,8%; TP Hồ Chí Minh giảm 45,5%.
Cùng với đó, doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm 2021 của một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là: Quảng Ninh giảm 31,4%; Quảng Bình giảm 41,1%; Hà Nội giảm 41,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 43,7%; Hải Phòng giảm 49,9%; Đà Nẵng giảm 53,4%; TP Hồ Chí Minh giảm 61%; Nghệ An giảm 67,7%; Quảng Nam giảm 81,2%; Thừa Thiên - Huế giảm 81,4%; Khánh Hòa giảm 88,3%.
Ngoài ra, doanh thu dịch vụ khác 11 tháng so với cùng kỳ năm trước của Phú Yên giảm 4,6%; Bắc Ninh giảm 8%; Bình Dương giảm 9,6%; Cần Thơ giảm 15,3%; Đà Nẵng giảm 16,2%; Nghệ An giảm 18,4%; Hà Nội giảm 20,8%; TP Hồ Chí Minh giảm 30,1%.
Để thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước.
Các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương; đồng thời, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường….
Cùng với đó, các địa phương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, Đề án và Chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.