Theo ông Nguyễn Thành Phong, vừa qua thành phố đã triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn vì dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, các khoản hỗ trợ đã được chuyển đến đúng người và đảm bảo trong thời gian sớm nhất. Tại nhiều xã, phường, người dân còn được chuyển trực tiếp số tiền hỗ trợ qua ATM, qua tài khoản riêng hoặc đến tận nhà chi trả hỗ trợ các trường hợp chính sách, chi trả trực tiếp tại cơ quan hoặc tại nhà các trường hợp hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn. Đối với công nhân tại các khu công nghiệp bị ngừng việc, mất việc, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát hỗ trợ qua tài khoản cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp cần hỗ trợ vay vốn để khôi phục sản xuất, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ gia hạn nợ, giãn thuế và vốn vay ưu đãi cho hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động của dịch bệnh trong đợt một.
"Đợt dịch bệnh COVID-19 lần này diễn ra khá phức tạp và sẽ tác động đến nhiều đối tượng, trong đó có những người lao động có thu nhập thấp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh khẩn trương tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho các các đối tượng này để kịp thời hỗ trợ họ sớm khôi phục sản xuất trong tình hình mới. Ngoài ra, các sở, ngành, UBND quận, huyện cũng cần lập danh sách các đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, xem xét các mức hỗ trợ cho phù hợp với từng đối tượng, tránh việc hỗ trợ trùng lắp, không đúng đối tượng...", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, tính đến nay thành phố đã giải quyết cho 543.345 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (đạt 100%), với hơn 595 tỉ đồng. Trong đó, thành phố đã chi trả cho người đang hưởng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 185 tỷ đồng, hỗ trợ người có công với cách mạng với hơn 48 tỷ đồng và các hộ nghèo, cận nghèo đạt 100% với tổng số tiền trên 85 tỷ đồng. Với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, Thành phố đã giải quyết cho 56.512 đối tượng của 1.927 đơn vị với số tiền trên 58 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tính đến 31/7, các ngân hàng thương mại thuộc TP Hồ Chí Minh quản lý đã cho 25.000 khách hàng vay vốn với số tiền được giải ngân là 300.000 tỷ đồng, trong đó có 714 trường hợp đã được hỗ trợ về cơ cấu nợ vay và cho vay mới theo diện bị tác động của dịch bệnh. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng chủ động giải quyết hỗ trợ cho 240.000 khách hàng của TP Hồ Chí Minh vay vốn theo diện bị tác động của dịch bệnh cần vốn để khôi phục sản xuất.