Chính vì vậy, tại Diễn đàn Kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần 1 năm 2019 được tổ chức vào sáng ngày 4/9, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7), ông Bùi Tá Hoàng Vũ mong muốn TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục hợp tác đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch đặc trưng.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối liên kết, hợp tác với các địa phương trong từng vùng trọng điểm để xây dựng các nội dung phối hợp cụ thể. Trong đó, các sản phẩm du lịch liên kết dựa vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan của từng tỉnh thành nhằm tạo ra sức hút cho từng tỉnh, thành; từ đó khắc phục những hạn chế, đồng thời thúc đẩy liên kết du lịch theo hướng bền vững.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Cụm trưởng Cụm phía Tây ĐBSCL, cho biết việc kết nối giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đem lại lợi ích cho cả nhiều bên. Tuy nhiên, việc liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ; các sản phẩm du lịch còn trùng lắp. Do đó, du khách khi nhớ về miền Tây chỉ nhớ 1 điểm chứ không nhớ sự khác nhau của 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Chưa kể, hạ tầng giao thông kết nối TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng không phát triển, từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây chỉ có 40 km cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, còn lại chủ yếu đi theo tuyến quốc lộ 1A đã xuống cấp, nhỏ hẹp, khó khăn nên du khách rất ngại di chuyển giữa các tỉnh. Đặc biệt, các địa phương còn thiếu nguồn nhân lực phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nên khó xây dựng, duy trì các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của từng tỉnh….
"Vì vậy, muốn phát triển sản phẩm du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL cần phát triển hạ tầng giao thông thuận tiện cả về hàng không, đường bộ lẫn đường thủy. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cần hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết theo tour khép kín từ TP Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh miền Tây, các tỉnh ĐBSCL; cần giữ gìn và phát triể sản phẩm đặc trưng để TP Hồ Chí Minh có sản phẩm chào mời du khách”, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết thêm.
Theo các doanh nghiệp tham gia diễn đàn, để thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL, các nhà quản lý, doanh nghiệp cần kết nối hiệu quả từ thị trường cung cấp nguồn khách TP Hồ Chí Minh; các địa phương ĐBSCL cần tiếp tục xây dựng chính sách phát triển, liên kết theo hướng đa dạng hóa nhằm tạo sản phẩm đặc trưng riêng cho từng điểm đến...
Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, cho rằng miền Tây có sức hút rất lớn đối với du khách quốc tế và trong nước. Cụ thể, khoảng 70% khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đều muốn đi thăm quan khu vực ĐBSCL đầu tiên. Hoặc nhiều du khách vẫn nhớ miền Tây có Cần Thơ đặc trưng du lịch sông nước, với chợ nổi Cái Răng; về An Giang có đặc trưng du lịch tâm linh chùa Bà; Kiên Giang có sản phẩm du lịch biển đảo Phú Quốc; Cà Mau có du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng U Minh; về Bạc Liêu có du lịch điện gió Bạc Liêu, đờn ca tài tử.... Do đó, để thu hút du khách TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh ĐBSCL, các địa phương cần đổi mới, xây dựng sản phẩm du lịch mới có chất lượng và liên kết chặt chẽ với nhau để sản phẩm du lịch miền Tây không trùng lắp, chồng chéo… mà có sức hút riêng.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, vừa qua ngành du lịch thành phố đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành trên cả nước; đặc biệt với vùng Tây Nam Bộ đã hình thành các liên kết vùng như: TP Hồ Chí Minh với tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); TP Hồ Chí Minh với cụm phía Đông Đồng bằng Sông Cửu Long; TP Hồ Chí Minh với cụm phía Tây Đồng bằng Sông Cửu Long… Các nội dung hợp tác chủ yếu trên 5 lĩnh vực: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; Hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Hợp tác xúc tiến kêu gọi đầu tư về du lịch.