Theo ông Võ Lê Bích Đồng, Phó phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương, chương trình bình ổn thị trường năm 2022 có điểm mới là phân chia rõ ràng 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế.
"Đối với doanh nghiệp cung ứng tập trung bảo đảm về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu…; đối với phân phối tập trung bảo đảm về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường; đối với hỗ trợ tín dụng thì đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics…", ông Lê Võ Bích Đồng cho biết.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh hiện có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia; trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như: Cholimex, TH True Milk, MM Mega Market, Cental Retail… Trong lĩnh vực phẩm phối có doanh nghiệp: Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25…; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm là: Vissan (thịt gia súc, thực phẩm chế biến…), C.P Việt Nam (thịt gia súc, trứng gia cầm), Sagrifood (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm), Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo), Colusa – Miliket, Bình Tây (mì, bún, phở khô), Sài Gòn Food (thực phẩm chế biến), San Hà, Long Bình (thịt gia cầm), Phong Thúy, Thảo Nguyên, Phước An, Phú Lộc, Anh Đào, Xuân Thái Thịnh (rau củ quả), Liên Thành (nước mắm), Cholimex (gia vị)…
Các đơn vị cung ứng các mặt hàng sữa gồm: Vinamilk, NutiFood, TH Truemilk…; các đơn vị cung ứng chủ lực các mặt hàng mùa khai giảng như: Fahasa, Nhân Văn (phân phối, tổng hợp), Hami, MR.Vui, LilaMiti (cặp, ba lô, túi xách), Vĩnh Tiến (tập học sinh), Leedo (giày dép)… Trong lĩnh vực dược phẩm có những doanh nghiệp như: Domesco, OPV, Merap, Tipharco, Imexpharm, Pymepharco, Agimexpharm, Stada, Roussel, Naduphar…
Năm nay, chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh còn có 39 doanh nghiệp tham gia ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng 4 doanh nghiệp so với năm 2021. Nhờ vậy, lượng hàng đăng ký cũng đã tăng mạnh so năm 2021, cụ thể: gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở… khô) tăng gấp 8 lần.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, phòng Quản lý giá Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay, các doanh nghiệp đã chính thức áp dụng giá bán của năm 2022 từ ngày 2/4. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp vẫn giữ ổn định hoặc giảm giá bán so với năm 2021, chỉ có 2 mặt hàng là thịt gia cầm và trứng gia cầm tăng giá do giá đầu vào tăng cao từ năm 2021 đến nay. Trong nhóm ngành hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, mặt hàng trứng gia cầm tăng 5-6%, thịt gia cầm tăng 7-14%, còn lại 6 nhóm giữ nguyên giá, nhóm lương thực chế biến giảm giá 2%.
"Mặc dù có rất nhiều yếu tố đầu vào tác động giá cả hàng hoá trên thị trường, một số mặt hàng tham gia chương trình đã đủ điều kiện để điều chỉnh giá, tuy nhiên để ủng hộ, chia sẻ cùng người dân, đa số các doanh nghiệp đang cố gắng giữ giá. Trong thời gian tới, nếu tình hình giá nguyên liệu đầu vào và giá thị trường tiếp tục tăng cao hơn nữa, sẽ có một hoặc hai mặt hàng đề nghị điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình và bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp", ông Cảnh cho biết.