Cập nhật thông tin giá cả thị trường trong 3 ngày gần đây tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi thu mua dao động ở mức từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Đồng thời, giá lợn hơi loại thường tại khu vực miền Nam thấp hơn một số tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên khoảng 5.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khảo sát tại mạng lưới phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức ổn định. Cụ thể, các sản phẩm thịt lợn ba rọi, thịt lợn đùi, sườn non, cốt lết… có giá dao động ở mức 85.000 – 110.000 đồng/kg.
Chị Ánh Hồng, tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho biết, trong thời điểm hiện tại, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua sản phẩm thịt lợn ở những địa chỉ quen và đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân cũng chuyển sang dùng những sản phẩm thực phẩm tươi sống khác để đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho gia đình.
Thông tin dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm lý của người tiêu dùng bởi đây là một trong những loại thực phẩm phổ biến trong bữa cơm của người Việt Nam. Đặc biệt, người tiêu dùng đòi hỏi truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chỉ tin dùng những mặt hàng được kinh doanh tại điểm bán uy tín.
Còn tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị như các hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… sức tiêu thụ thịt lợn tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Cụ thể, các ngày trong tuần sức tiêu thụ thịt lợn tại Co.opmart trung bình đạt từ 45 - 50 tấn/ngày, còn dịp cuối tuần sức tiêu thụ trung bình 60 - 70 tấn/ngày.
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, ngay khi có thông tin về bệnh dịch, đơn vị này đã ngay lập tức áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Bên cạnh việc tăng tần suất kiểm soát, hệ thống Saigon Co.op cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến tay khách.
Hiện nay, nguồn thịt heo đang bán tại hệ thống Saigon Co.op chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín hàng đầu Việt Nam. Điển hình, có thể kể đến như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood… và hầu hết thịt lợn từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP.
Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, thịt lợn khỏe an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, độ đàn hồi khi dùng tay nhấn vào miếng thịt tốt, không bị nhão, không bị rỉ nước. Còn thịt lợn mắc bệnh hoặc thịt hư thường có lấm chấm xuất huyết, màu lạ như nâu xám, đỏ thâm, xanh nhạt, có khi có đốm, chạm tay vào miếng thịt thấy độ đàn hồi kém và có cảm giác bị nhớt.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân nên mua thịt lợn được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ ở những địa chỉ uy tín. Đồng thời, tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay các loại thực phẩm từ thịt heo chưa được chế biến kỹ.
Tương tự, một số chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, khi chế biến thịt lợn, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, không nên chế biến thịt chín tái, không nên để thịt đã qua chế biến trong hơn hai tiếng đồng hồ ở nhiệt độ phòng. Đặc biệt, không bỏ thịt vào nước đang sôi vì sẽ khiến các chất hóa học dễ dàng bị hấp thụ ngược lại vào bên trong miếng thịt.
Thống kê cho thấy, trung bình mỗi một tuần, một hộ gia đình ở các đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội chi khoảng 1,1 triệu đồng để mua thực phẩm tươi sống. So sánh với nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng tiêu dùng nhanh hàng ngày thì gấp khoảng 3 lần. Đáng chú ý, trong rổ hàng tiêu dùng thực phẩm tươi sống (10 mặt hàng) thịt lợn xếp vị trí thứ hai, chiếm 14%.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm thành phố tiêu thụ thịt lợn trị giá khoảng 750 triệu đô la Mỹ (USD). Trong một ngày thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn. Thịt lợn được kinh doanh, buôn bán chủ yếu ở hai kênh truyền thống chiếm 87% thị phần và kênh hiện đại 13%.