Cụ thể, đối với nguồn cân đối từ ngân sách Trung ương giải ngân là 79,217 tỷ đồng, đạt 3,2% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2022 là 2.479,640 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương trong nước giải ngân là 19,5 tỷ đồng, đạt 1,1% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 1.7,640 tỷ đồng; vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giải ngân là 59,832 tỷ đồng, đạt 8,4% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 711 tỷ đồng.
Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, thành phố đã giải ngân là 8.393,040 tỷ đồng, đạt 28,5% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2022; trong đó, vốn ngân sách Thành phố giải ngân là 6.660,062 tỷ đồng, đạt 27,7% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2022; vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ giải ngân là 1.732,978 tỷ đồng, đạt 31,8% tổng kế hoạch vốn giao trong năm.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân việc chưa thể đạt được tỷ lệ giải ngân theo Kế hoạch đầu tư công năm 2022 như kỳ vọng do ảnh hưởng dịch COVID-19 và xung đột quân sự, chính trị trên thế giới dẫn đến các yếu tố đến từ bên ngoài như: giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao.
Việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, lao động chất lượng cao, máy móc thiết bị phục vụ thi công bị gián đoạn trong những tháng đầu năm, làm tiến độ thi công các dự án, các nhà thầu cũng bị ảnh hưởng nếu đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời gian này vì có thể chi phí của các nhà thầu sẽ vượt so với giá trúng thầu đã được thông qua.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, một số dự án hiện nay còn đang vướng các thủ tục về đầu tư, đang trình điều chỉnh thời gian thực hiện, đang thực hiện thủ tục quyết toán, một số dự án c tăng tổng mức đầu tư đang trình điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầ tư... Khi các dự án thực hiện xong được các thủ tục sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Thành phố.
Cùng với đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng của một dự án từ lúc được quyết định đầu tư đến thời điểm có thể chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân thông thường kéo dài tối thiểu khoảng 180 ngày; trong đó, có nhiều thủ tục phải trực tiếp tiếp xúc với người dân theo quy định.
Đối với việc giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ODA hiện nay tỷ lệ giải ngân chậm, UBND Thành phố cho biết, ngoài các khó khăn như các nguồn vốn khác, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA còn đang phải thực hiện các thủ tục về đầu tư như điều chỉnh thời gian thực hiện, điều chỉnh dự toán, thiết kế, chính sách thuế...
Cụ thể, các dự án gặp khó khăn như dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại của dự án; dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành –Tham Lương gia hạn thỏa thuận vay của ngân hàng Tái thiết Đức KfW đến năm 2026; dự án Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh – Giai đoạn 2 liên quan đến thực hiện chính sách thuế và dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tổ chức hiệu quả các Hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công định kỳ hàng tháng, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị đảm bảo các dự án triển khai đúng thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, thành phố thực hiện linh hoạt trong điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định và đủ điều kiện để bố trí vốn.
Thành phố cũng thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận, huyện, thành phố không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất.