Từ chỗ kiệt quệ về mọi mặt, với nỗ lực của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, kinh tế TP Hồ Chí Minh đang phục hồi mạnh mẽ về nhiều mặt.
Tuy nhiên, thực tế quan 1 năm trở lại trạng thái "bình thường mới" cũng đã bộc lộ, phát sinh nhiều hạn chế, điểm nghẽn cả cũ và mới phát sinh trong quá trình khôi phục, phát triển kinh tế của thành phố cần phải sớm khắc phục để có sự phát triển bền vững và có nhiều đóng góp hơn nữa cho cả nước.
Nhằm ghi nhận những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại của nền kinh tế Tp. Hồ Chí Minh sau một năm trở lại trạng thái bình thường mới, TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu cả nước.
Bài 1: Tiên phong chuyển hướng chiến lược
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 5-9/2021) là cú sốc lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế TP Hồ Chí Minh khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, vượt qua các khó khăn, thách thức do dịch bệnh để lại, bằng sự quyết đoán, táo bạo của mình, TP Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra chiến lược thích ứng để phục hồi và lấy lại đà phát triển kinh tế một cách nhanh chóng.
* Từ những bài toán khó đặt ra
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5/2021 và đỉnh điểm là tháng 7, tháng 8 khi số ca mắc và ca tử vong mỗi ngày đều tăng vọt. TP Hồ Chí Minh buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các biện pháp giãn cách của của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong tháng 8/2021 cho thấy, tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đối với nền kinh tế TP Hồ Chí Minh đã bộc lộ từ tháng 6 và nghiêm trọng dần ở giai đoạn dịch lây lan mạnh (tháng 7 - 8). Trong tháng 7, ghi nhận sự tổn thương nghiêm trọng ở nhóm ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ (chiếm tỷ trọng lần lượt là 25% và 62% GRDP toàn thành phố).
Diễn biến kinh tế tiếp tục xấu đi trong tháng 8/2021, doanh số thương mại dịch vụ giảm sút nghiêm trọng chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Sản xuất đình trệ khiến đoạt động xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng từ tháng 6 và tiếp tục giảm sâu trong những tháng tiếp theo. Trong số đó, xuất khẩu máy vi tính, điện tử và linh kiện giảm gần 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm gần 12%, chất dẻo, sản phẩm gỗ giảm đều hơn 9%...
Về tổng thể, theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, với các chính sách thắt chặt giãn cách xã hội, kinh tế TP Hồ Chí Minh suy giảm nhanh chóng, quý III/2021 tăng trưởng âm 24,47%, quý IV/2021 âm 11,63%, cả năm tăng trưởng âm 6,78%. Với con số này, có lẽ trong lịch sử phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh chưa bao giờ chứng kiến sự suy thoái nào nặng nề đến vậy, kể cả trong các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trước đó.
Nhớ lại khoảng thời gian căng mình chống dịch trong quý III/2021, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn nhớ lại: Tháng 9/2021, tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp vô cùng trì trệ, khó khăn chồng chất sau cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ như dịch COVID-19. Doanh nghiệp trải qua nhiều tháng dừng hoạt động, hoạt động "3 tại chỗ" một cách cầm chừng, hàng hoá ứ đọng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tưởng chừng rất khó vượt qua.
"Nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án cuối cùng là phải giải thể, số khác không còn nguồn lực để tái đầu tư và rất nhiều doanh nghiệp không còn lao động để khởi động lại hoạt động sản xuất. Phải thừa nhận lúc đó, không ít doanh nghiệp bi quan và hoài nghi về khả năng có thể khôi phục trong thời gian ngắn. Nếu thời điểm 1/10/2021, TP Hồ Chí Minh không kịp thời "mở cửa" thì quá trình phục hồi kinh tế của thành phố sẽ khó khăn và mất rất nhiều thời gian", ông Trần Việt Anh chia sẻ.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhận định, dù nỗ lực duy trì sản xuất nhưng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất. Sau các đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, hầu hết doanh nghiệp đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm.
Nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian duy trì sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" nên không còn vốn để đầu tư tăng sản lượng hàng hóa.
Chưa dừng lại ở đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng tất cả mọi chi phí từ nguyên vật liệu đến vận tải đều tăng cao. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu cho biết, từ năm 2020, cước vận chuyển hàng hóa đường biển đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước khi dịch COVID-19 xuất hiện và tiếp tục tăng trong năm 2021, đến nay đã gấp 5 - 6 lần thậm chí tới 10 lần so với trước.
Không chỉ tăng cước, phí mà việc đặt container rỗng và chỗ trên tàu cũng rất khó khăn. Có thời điểm, muốn đưa hàng lên tàu doanh nghiệp phải đặt chỗ trước tới vài tháng. Giá thành sản xuất cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm (với thực phẩm) bị rút ngắn và giá sản phẩm bị đội lên cao.
* Quyết định táo bạo
Từ giữa tháng 9/2021, TP Hồ Chí Minh xác định chuyển từ mục tiêu dốc toàn lực chống dịch sang thực hiện "mục tiêu kép", nghĩa là vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, tính mạng nhân dân là trên hết nhưng đồng thời phải phục hồi sản xuất kinh doanh để tạo việc làm cho người lao động. Quyết định bắt đầu chiến lược phục hồi kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh được đánh giá là táo bạo nhưng có cơ sở và được tiếp sức bởi Nghị quyết 128/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Thực tế quá trình phục hồi gần 1 năm qua đã chứng minh, việc TP Hồ Chí Minh chủ động chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch của TP Hồ Chí Minh là đúng đắn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viên trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định, thay đổi chiến lược là quyết định táo bạo nhưng có cơ sở của UBND TP Hồ Chí Minh vào thời điểm đó.
Táo bạo là bởi TP Hồ Chí Minh đang là tâm điểm dịch của cả nước và chịu thiệt hại nặng nề về mọi mặt; dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành phía Nam trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh còn thấp. Về cơ sở khoa học, các chuyên gia tham mưu và lãnh đạo thành phố đều dựa trên quy luật diễn biến của dịch bệnh ở nhiều quốc gia và tình hình thực tế kiểm soát dịch thực tế là số ca nhiễm mới, số ca nặng và số ca tử vong giảm dần.
Việc thực hiện "mục tiêu kép" được TP Hồ Chí Minh triển khai một cách hết sức thận trọng bằng cách thí điểm nới lỏng giãn cách một số quận, huyện kiểm soát dịch tốt gồm Quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi từ ngày 16/9/2021. Đến 1/10, thành phố chính thức nới lỏng giãn cách xã hội trên diện rộng để bắt đầu kế hoạch phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc mở cửa không ồ ạt mà dựa trên các tiêu chí đánh giá khả năng kiểm soát dịch và mức độ an toàn theo các cấp độ dịch với phương châm "An toàn đến đâu mở cửa đến đó" và thực hiện nghiêm quy tắc 5K.
Từ yêu của của thực tiễn phát triển của mình cũng như các định hướng, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, đầu năm 2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022 - 2025; trong đó, giai đoạn phục hồi đến hết năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh xác định khắc phục các hệ lụy, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp; trong đó tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giao thông thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người dân, người lao động; hạn chế tối đa những đứt gãy chuỗi cung ứng không đáng có.
Trong giai đoạn này, thành phố ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, các động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại; phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; thành lập tổ hỗ trợ, tiếp cận và triển khai hiệu quả gói hỗ trợ từ đề án giải pháp tài khoá, tiền tệ Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Bước vào giai đoạn phát triển, từ năm 2023 - 2025, TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; giải quyết điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh là trung tâm kinh tế, tài chính; trung tâm thương mại-mua sắm; dịch vụ logistics; du lịch; đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ... Để thực các mục tiêu trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều nhóm giải pháp như huy động hiệu quả nguồn lực; trong đó tập trung vào nhân lực, sử dụng đất đai gắn với các dự án xây dựng, tài chính.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh đã đề ra mục tiêu và quyết sách thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Có thể khẳng định, việc TP Hồ Chí Minh mạnh dạn "mở cửa" cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn đã giải tỏa tâm lý cho người lao động, phục hồi tinh thần, tăng năng suất làm việc.
Bài 2: Những "quả ngọt" đầu tiên