Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, thu hút đầu tư nước ngoài bắt đầu sôi động. Có thể khẳng định, đến nay, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã từng bước phục hồi và trở lại đà tăng trưởng. Các chỉ số phát triển kinh tế đã không ngừng được cải thiện qua từng tháng, quý, năm.
* Lấy lại đà tăng trưởng kinh tế
Minh chứng cho việc "giải nén" kịp thời các áp lực của doanh nghiệp là kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có sự chuyển biến tích cực ngay từ quý I/2022 với mức tăng trưởng dương 1,87%, quý II/2022 tăng 5,73% và quý III/2022 ước tính tăng 9,71%. "Kinh tế TP Hồ Chí Minh đang phục hồi theo đúng kịch bản đề ra trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu của năm 2022 là tăng trưởng GRDP khoảng 8%, đưa giá trị GRDP về mức năm 2020 (khi chưa chịu thiệt hại từ dịch COVID-19). Đây là cơ sở vững chắc, tạo đà để kinh tế thành phố tăng tốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong giai đoạn giãn cách đến từ việc giao thông vận chuyển bị hạn chế, chuỗi cung ứng nguyên liệu và phân phối sản phẩm bị gián đoạn, sức tiêu thụ của thị trường giảm sút nghiêm trọng.
Chính vì vậy, quyết định mở cửa của TP Hồ Chí Minh khi nhận thấy các doanh nghiệp không còn khả năng gồng mình hơn nữa sau hơn 2 tháng "3 tại chỗ", "4 xanh" … chính là giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhất, tạo động lực dẫn dắt và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ lãi suất, gia hạn thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chính phủ, các gói hỗ trợ an sinh cho người dân bị ảnh hưởng của Thành phố cũng tiếp thêm động lực để cộng đồng doanh nghiệp tích cực phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá kết quả một năm triển khai về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế của Thành ủy và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bước đầu, thành phố ghi nhận chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
Kết quả điều hành, phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong 9 tháng năm 2022 đi đúng hướng theo kế hoạch đã đề ra. Quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố ước tăng 9,71% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt khoảng 349.900 tỷ đồng, đạt 90,52%% dự toán năm, tăng 27,69% so với cùng kỳ năm trước và tăng 21,84% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 3,4%) và tăng 15,89% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,8 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 28,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với sự hồi sinh của các doanh nghiệp cũ, số doanh nghiệp thành lập mới tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng mạnh. Trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã cấp phép cho gần 33.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 24.091 doanh nghiệp thành lập, tăng 44,2% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 286.803 tỷ đồng, tăng 10,5%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung vào khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khánh thành, khởi công nhiều công trình giao thông, dân sinh có quy mô lớn, đồng thời triển khai, khởi động nhiều dự án lớn, có ý nghĩa phát triển của thành phố nói riêng, cả khu vực phía Nam nói chung.
Những tháng đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Thủ Thiêm 2, nối Quận 1 và thành phố Thủ Đức, sau 7 năm thi công; cùng với đó là hàng loạt công trình trọng điểm khác như đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt (Quận 1); dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (Tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn) với tổng giá trị đầu tư 700 tỷ đồng.
Tháng 9 vừa qua, TP Hồ Chí Minh và các chủ đầu tư đã triển khai khởi công các dự án nhà ở xã hội với hàng ngàn căn hộ gồm dự án nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây (Quận 7), dự án tại phường Phú Hữu (TP Thủ Đức); động thổ 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại chung cư số 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), dự án cả tạo chung cư cũ tại số 23 Lý Tự Trọng (Quận 1).
Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương lân cận, tiến hành triển khai nhanh các bước để thực hiện dự án đường vành đai 3, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước) cũng như tái khởi động hàng chục công trình lớn, phục vụ dân sinh cũng như phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới.
Đặc biệt, đúng vào dịp Quốc khánh 2/9, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) tổ chức lễ động thổ dự án khu phức hợp thông minh (Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm) thuộc khu chức năng số 2 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) với tổng số vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, dự án là một trong những dự án đầu tư trọng điểm của khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần hình thành, phát triển trung tâm tài chính - ngân hàng, thương mại và dịch vụ tại khu đô thị này.
* Tạo dựng được niềm tin
Sau 1 năm thành phố quyết định mở cửa với trạng thái "bình thường mới", hầu hết doanh nghiệp đã quay lại thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động trở lại; các hoạt động kinh tế gần như trở lại quỹ đạo phát triển như trước khi dịch COVID-19 xảy ra.
Qua đó, cho thấy được những giải pháp, kết quả đạt được trong phòng, chống dịch, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố đã tạo dựng được lòng tin của người dân, cộng động doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, thời điểm TP Hồ Chí Minh quyết định "mở cửa", không ít doanh nghiệp lo ngại có thể phải "đóng cửa" trở lại vì dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm của lãnh đạo thành phố và lộ trình phù hợp, sự hoài nghi dần được thay thế bằng niềm tin. Dù khó khăn cả về đầu ra lẫn đầu vào, các doanh nghiệp không ngừng nỗ lực, tìm ra phương án thích nghi với bối cảnh mới như phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của dân, tích cực chuyển đổi từ mô hình phân phối truyền thống sang thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
Bước đệm "mở cửa" kịp thời trong quý IV/2021 là cơ sở để bước sang năm 2022 cộng đồng doanh nghiệp thành phố có thể yên tâm vào khả năng để thích ứng linh hoạt và dồn sức cho khôi phục. Chính yêu cầu "thích ứng linh hoạt" cũng là động lực để các doanh nghiệp đẩy nhanh việc tiếp cận các phương thức sản xuất, kinh doanh mới.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành cho rằng, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh đã có cú "lội ngược dòng" khá ngoạn mục. Có được kết quả đó bên cạnh những quyết định mang tính chiến lược, kịp thời của lãnh đạo các cấp, không thể không nói đến tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Ngay sau khi TP Hồ Chí Minh có chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, các doanh nghiệp đã chủ động xoay sở để quay lại guồng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ sản xuất để bù lại sản lượng cho khoảng thời gian giãn cách, sản xuất cầm chừng trước đó.
Những kết quả đạt được đã từng bước tạo dựng được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các nhà đầu tư tại thành phố. Không chỉ thu hút đầu tư trong nước, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm đến được ưu tiên của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài. Tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 9/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 2,97 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ, đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Ông Leif Schneider, Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định, một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài và TP Hồ Chí Minh có nhiều ưu thế để đón đầu nguồn lực này.
Cụ thể, bên cạnh vị trí chiến lược thuận lợi, diện tích lớn cùng mật độ dân số cao, TP Hồ Chí Minh là trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và tích cực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư như các hoạt động gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp.
Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, TP Hồ Chí Minh cũng đã mạnh dạn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, nhận được sự "tin tưởng" của các cơ quan ở Trung ương, tổ chức quốc tế trong việc chọn lựa là địa điểm để tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn. Điển hình như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 5/6; các hội nghị thu hút đầu tư vào huyện Củ Chi, Hóc Môn; diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022...
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đây cũng là dịp để khẳng định TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước. Kinh tế thành phố đã từng bước hồi phục và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bứt phá thành công. Việc tổ chức diễn đàn, hội nghị cũng góp phần nâng cao vị thế về công tác đối thoại, nhất là đối thoại về kinh tế của Thành phố, với các tổ chức quốc tế, các địa phương có quan hệ hợp tác kinh tế.
Bài 3: Không ít điểm nghẽn