Bà Huỳnh Thị Bạch Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Phát cho biết, khu nhà lưu trú gồm 2 tòa nhà cao 12 tầng với 360 căn hộ, xây dựng trên diện tích 5.082m2, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 408 tỉ đồng sẽ đáp ứng chỗ ở cho hơn 1.000 công nhân. Người lao động ở trong khu lưu trú được sử dụng các tiện ích khép kín như: nhà trẻ, khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí. Đây sẽ là nơi cho người lao động có cuộc sống ổn định để tập trung làm việc, tạo thêm năng suất cho các công ty, doanh nghiệp trong khu chế xuất.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 được TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự kiến với gần 484.000 căn, tương ứng với 50,6 triệu m2 sàn. Trong đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng hơn 35.700 căn. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng phấn đấu phát triển 3,1 triệu m2 sàn (tương ứng với 56.749 căn) nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân đang sống trong các khu nhà trọ, các hộ dân đang sống trên và ven kênh rạch, các khu chung cư cũ phải tháo dỡ hoặc các khu nhà ở chưa đảm bảo về điều kiện sinh hoạt.
Trong năm 2022, Sở Xây dựng TP Hồ chí Minh tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư của 18 dự án, trong đó có 10 dự án nhà ở xã hội, 2 dự án nhà lưu trú công nhân.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị chủ đầu tư tổ chức thi công đảm bảo chất lượng công trình, hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp Thành phố phải bám sát, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Theo ông Dương Anh Đức, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp trên thực tế rất lớn. Để giải quyết nhu cầu này, TP Hồ chí Minh cũng như các địa phương tập trung nhiều giải pháp phát triển nhà ở để hiện thực hóa ước mơ của công nhân, người lao động. Hiện các đơn vị, doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh việc phát triển nhà lưu trú công nhân nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hỗ trợ công nhân, người lao động cải thiện và nâng cao chất lượng chỗ ở. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác đầu tư, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn và hàng tuần, Thành phố tổ chức họp để kịp thời xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...