Trong đó, có thể kể đến kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi; mạng lưới chợ truyền thống... cho đến hàng quán kinh ăn uống, quần áo thời trang; dịch vụ sửa xe, làm đẹp...
Thị trường tiêu dùng từng bước phục hồi
Tính đến thời điểm này, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã lần lượt công bố đạt tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 và tái mở cửa lại hoạt động thương mại trên địa bàn khu dân. Kết quả này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống sinh hoạt người dân và từng bước trở lại "bình thường mới", mà còn mang lại cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh... đón đầu làn sóng mua sắm sau khi thời gian dài người dân TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội.
Theo chị Minh Anh, chủ cửa hàng kinh doanh thời trang nữ trên được Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, mặc dù những ngày đầu mở cửa kinh doanh trở lại đón nhận số lượng khách hàng rất ít, nhưng vẫn phấn khởi bởi thị trường tiêu dùng đang từng bước phục hồi.
Đối với ngành hàng thời trang may mặc, người tiêu dùng luôn có nhu cầu thử đồ trước khi mua nên số lượng khách hàng mua sắm ít sẽ đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đúng quy định của chính quyền TP Hồ Chí Minh.
Cùng quan điểm, chị Hồng Hạnh, chủ cửa tiệm cắt tóc nữ trên đường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện cửa tiệm hoạt động theo phương thức nhận khách qua điện thoại và hẹn giờ, hạn chế tập trung người. Đặc thù của nghề này là thời gian phục vụ mỗi khách hàng bình quân kéo dài từ 2-5 giờ, nên doanh thu cũng bị ảnh hưởng khi thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 chưa chưa đạt mức như thời điểm bình thường.
Khảo sát ở ngành hàng ăn uống cho thấy, hầu hết đơn vị kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn áp dụng phương thức "bán mang về", nhận đơn hàng qua điện thoại và giao hàng tận nơi. Nhờ những quy định mới nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 30/9/2021 đến nay, nên doanh thu của những đơn vị kinh doanh này chỉ mới bắt đầu khởi sắc và hoạt động bán buôn dần bước vào "trạng thái bình thường mới".
Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng điện máy - điện lạnh, văn phòng phẩm, nhà sách, sửa xe, nước uống đóng chai, gas... cũng đã tái mở cửa hàng theo khung giờ bình thường như trước đây và phục vụ khách hàng trực tiếp. Hơn thế nữa, một số chuỗi cửa hàng còn chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng.
Điển hình, chuỗi cửa hàng thegiodidong đang có chương trình "Tháng 10 mừng hết giãn cách", áp dụng từ nay đến hết ngày 31/10. Chương trình triển khai ở đa dạng ngành hàng như laptop giảm 5%, điện thoại 20%, phụ kiện 50%, đồng hồ thông minh 56%... Đồng thời, chuỗi cửa hàng này còn kèm theo chế độ hậu mãi cho khách hàng là giao hàng nhanh - an toàn 5K.
Còn hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Saigon Co.op, Satra, Aeon, LOTTE Mart; Co.op Food, Satrafoods, Vissan... vừa luân phiên chạy hoạt động khuyến mãi, giảm giá, vừa thực hiện mở rộng thêm nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Tp. Hồ Chí Minh. Trước đó, có thời điểm trong giai đoạn giãn cách xã hội, những hệ thống này điều chỉnh giảm nhóm ngành hàng kinh doanh, chỉ tập chung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; sản phẩm vệ sinh cá nhân, nhà cửa, diệt khuẩn...
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Văn Sơn, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức cho biết, khi thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” việc mua sắm một số mặt hàng tiêu dùng như dầu gội, kem đánh răng, giấy vệ sinh, sữa rửa mặt... khá là khó khăn. Ngoài ra, một số lực lượng liên ngành tăng cường chưa xác định được danh mục hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nên mua sắm, tiêu dùng và giao nhận hàng hóa của người dân bị ách tắt.
"Do đó, khi hoạt động thương mại được tái mở cửa trở lại, nhất là mạng lưới chợ truyền thống không chỉ minh chứng cho thành quả phòng chống dịch COVID-19, mà còn đảm bảo đời sống an sinh xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, gia đình đã mua sắm được hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và thời gian mua sắm đến khi nhận hàng đang được rút ngắn lại", anh Văn Sơn chia sẻ thêm.
Kiểm soát tiêu chí an toàn thương mại
Hiện tại thị trường TP Hồ Chí Minh, mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã và đang tái mở cửa hoạt động trở lại theo đúng quy định phòng chống dịch COVID-19; trong đó, có thể kể đến một số chợ truyền thống như chợ Bình Thới, Quận 11; Bến Thành, Quận 1; Hòa Bình, Quận 5...
Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, Quận 11, TP Hồ Chí Minh, quy mô của chợ có tổng cộng 558 sạp, nhưng trong giai đoạn hiện nay chỉ tổ chức cho hơn 300 sạp kinh doanh. Hơn 96% thương nhân, tiểu thương kinh doanh tại chợ đều hoàn thành đủ 2 mũi vaccine COVID-19, còn lại đã tiêm mũi 1 trên 14 ngày.
Còn đại diện một số chợ truyền thống khác cho hay, khi chợ tái mở cửa hoạt động trở lại phải đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với những quy định nghiêm ngặt nên số lượng người dân đi chợ trực tiếp vẫn thưa thớt. Những nhóm mặt hàng kinh doanh tại chợ truyền thống chủ yếu là lương thực, thực phẩm, rau củ, quả... nên tính cạnh tranh không bằng những kênh cung cấp cùng ngành hàng như hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị bán hàng online và giao hàng tận nơi.
Trong những ngày gần đây, tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức xuất hiện tình trạng bị bao vây bởi các điểm kinh doanh tự phát ở khu vực liền kề xung quanh. Đồng thời, tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không bảo đảm an toàn thực phẩm và văn minh đô thị… ngày càng hoạt động nhộn nhịp hơn kể từ khi chính quyền TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội.
Trước bối cảnh này, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo UBND thành phố Thủ Đức, Quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, phối hợp liên ngành tăng cường giải pháp quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh tự phát ở khu vực liền kề xung quanh 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao cho một số sở, ngành bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi tụ tập đông người, không bảo đảm quy định phòng, chống dịch COVID-19, hành vi dừng đỗ xe, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
Trên thực tế, khi chính quyền TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, kênh phân phối, lưu thông, vận chuyển, giao nhận... hàng hóa tiêu dùng thiết yếu giữa thành phố với nhiều tỉnh, thành hay nội thành đã được khơi thông và dễ dàng hơn thời điểm trước ngày 30/9/2021. Cùng với đó, ngành công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp liên ngành tái mở cửa lại gần hết kênh bán lẻ đã góp phần bình ổn thị trường cả về nguồn cung lẫn giá cả.
Thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 7/10 đã có 28/234 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố tái mở cửa hoạt động trở lại. Chủ trường của ngành công thương là thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh là an toàn tới đâu mở tới đó và khi mở phải an toàn.