Không để xe máy, ô tô lấn làn BRT
Được biết, tuyến BRT số 1 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết, tổng dự toán và chuẩn bị đầu tư các gói xây lắp và thiết bị, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ cuối quý II/2019.
Theo thiết kế, tuyến BRT số 1 chạy dọc hành lang đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, rút ngắn thời gian đi lại trên hành lang Đông - Tây của thành phố, nhất là vào giờ cao điểm với khả năng vận chuyển tối đa là 132.000 khách/ngày.
Với chiều dài quãng đường 23km, mặt cắt ngang đường bố trí 2 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m, tuyến BRT số 1 có lí trình khai thác năm đầu tiên (2019) từ vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh) tới Rạch Chiếc (quận 2). Như vậy, tuyến BRT này sẽ kết nối vào bến xe Chợ Lớn (quận 5), chợ Bến Thành (quận 1).
Dự kiến năm 2019 tuyến BRT số 1 sẽ có 27 xe, đến năm 2030 có 46 xe, mỗi xe dài 12 mét, sức chứa 80 hành khách. |
Dự kiến năm 2019 sẽ có 27 xe, đến năm 2030 có 46 xe, mỗi xe dài 12 mét, sức chứa 80 hành khách. Doanh thu của tuyến BRT từ thu vé, quảng cáo tại các nhà chờ, trên phương tiện. Trong năm đầu thành phố sẽ giảm giá vé khoảng 43%, đến năm 2023 giảm xuống còn 18%.
Về nguồn vốn, tuyến BRT có tổng mức đầu tư 143,679 triệu USD. Trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 123,615 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của thành phố. Với số vốn đầu tư này, suất đầu tư tuyến BRT số 1 vào khoảng 3,5 triệu USD/km, thấp hơn một số nước như Mỹ (3,9 triệu USD/km), Trung Quốc (6,84 triệu USD/km), Brasil (9,76 triệu USD/km).
Điều đáng nói, tốc độ được đề xuất cho tuyến BRT là từ 26 - 31,5km/h trong khi tốc độ BRT tại Hà Nội đạt mức 16 - 21km/h. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh sẽ bố trí làn đường riêng dành cho BRT nên sẽ không có cảnh ô tô và xe máy đi vào làn BRT diễn ra phổ biến như ở Hà Nội nhưng vẫn đảm bảo còn 2 làn cho ô tô và 2 làn cho xe máy mỗi chiều. Đặc biệt, xe buýt BRT số 1 được trang bị thiết bị yêu cầu tín hiệu ưu tiên tại các nút giao trong khi ở Hà Nội tuyến BRT không được ưu tiên tín hiệu khi qua nút giao thông.
Ngoài ra, tuyến BRT số 1 của TP Hồ Chí Minh sẽ có 4 cửa (Hà Nội chỉ có 3 cửa), sử dụng nhiên liệu sạch CNG (Hà Nội sử dụng động cơ diesel). BRT TP Hồ Chí Minh sẽ dùng hệ thống vé điện tử cùng và xây dựng 8 bãi đỗ xe cá nhân hỗ trợ hành khách, còn Hà Nội chỉ có 2 bãi đỗ.
Tiếp tục tính toán
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, lộ trình của tuyến BRT Yên Nghĩa - Kim Mã (Hà Nội) là hướng tâm nhưng tại TP Hồ Chí Minh là xuyên tâm, cắt ngang hàng loạt tuyến đường hướng tâm khác nên chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Vì thế cần phải tính toán lại, đưa ra kịch bản cụ thể để chứng minh những tính toán đó là có cơ sở, không để mắc lại những bất cập đang tồn tại ở tuyến BRT Hà Nội.
Như vậy, để đưa BRT số 1 vào hoạt động, cần nhiều giải pháp đồng bộ khác, bao gồm việc phân tích tình hình giao thông trên lộ trình tuyến, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tính toán các mặt cắt ngang ở từng giao lộ...
Từ vấn đề trên, PGS.TS Chu Mạnh Trinh, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần có đánh giá nhu cầu sử dụng BRT dọc hành lang tuyến BRT số 1. Đồng thời tổ chức giao thông hợp lý một số đoạn hướng từ đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) về hầm vượt sông Sài Gòn (quận 1) vì chỉ có 2 làn dành cho ô tô và 1 làn dành cho xe máy.
TP Hồ Chí Minh sẽ bố trí làn đường riêng dành cho BRT nên sẽ không có cảnh ô tô và xe máy đi vào làn BRT diễn ra phổ biến như ở Hà Nội. |
Mặt khác, theo TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, làm BRT cần đảm bảo yếu tố nhanh, chi phí thấp, an toàn và thuận tiện. Trong các tiêu chí này, khó khăn nhất vẫn là tiêu chí về tốc độ di chuyển vì lưu lượng xe cá nhân đang tăng quá nhanh. Do đó, cần gắn tuyến BRT với “liên dự án” khác gồm vành đai 2, bến xe miền Tây mới, Metro để kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân.
Ngoài ra, theo ông Đỗ Diệp Gia Hợp, Phó Trưởng phòng Khai thác hạ tầng đường bộ - Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, cần xem xét phương án đưa làn xe BRT vào sát làn xe bên trong phía dải phân cách biên để tiết kiệm chi phí lắp đặt cầu vượt bộ hành cho hành khách đến điểm dừng xe. Bên cạnh đó có thể sử dụng xe buýt BRT cửa một bên, tận dụng được xe buýt của những tuyến khác, không cần phải sử dụng xe có cửa 2 bên.