TP Hồ Chí Minh xây dựng hạ tầng phát triển thương mại điện tử

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, lĩnh vực thương mại điện tử đang có đà phát triển nhanh và lan tỏa trong mạng lưới phân phối hàng hóa, bán lẻ.

Lĩnh vực này cũng đặt ra nhiều vấn đề mới như: chống thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nên thành phố đang thực hiện quy hoạch phát triển ngành thương mại điện tử TP Hồ Chí Minh 2025-2030. Đặc biệt, thành phố đảm bảo xây dựng hạ tầng để phát triển thương mại điện tử trở thành ngành mũi nhọn đột phá, đóng góp vào tăng trưởng của thành phố.

Chú thích ảnh
Phiên “Chợ tết hàng Việt Nam chất lượng cao” là phiên chợ online đầu tiên của Sàn thương mại điện tử hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Hình thành không gian thị trường

Thống kê trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử đạt 5%, website tương thích thiết bị di động (34,2%), website đạt cấp độ 4 (2,4%), doanh nghiệp có ứng dụng di động (9,1%)... Còn đối với người tiêu dùng, tỷ lệ kết nối internet để mua hàng hóa đạt 62,5%, lựa chọn thanh toán trực tuyến (17,9%). Giá trị mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng tăng khoảng 13,8%/năm.

Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử, trong quy hoạch phát triển ngành thương mại điện, thành phố đặt mục tiêu đào tạo tối thiểu 70% công chức phụ trách lĩnh vực kinh tế được bồi dưỡng kiến thức tổng quát về quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, 100% công chức trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước, thanh tra... về thương mại điện tử được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành.

Về phía Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp hình thành không gian thị trường cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển. Cụ thể, đối với thị trường thương mại điện tử trong nước, ngành Công Thương tập trung vào những yếu tố hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử. 

Tuy nhiên những nhóm giải pháp này cần sự hỗ trợ của nhà nước về quy hoạch, quỹ đất và có thể cả nguồn lực tài chính dưới hình thức đầu tư công. Điển hình, dịch vụ hoàn tất đơn hàng cần đáp ứng nhy cầu xây dựng hệ thống hạ tầng logistics, gồm: kho bãi, đường giao thông. Hay thanh toán trực tuyến với mức phí thanh toán phù hợp.

Còn đối với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, đòi hỏi tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa sàn thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất. Trong đó, chú trọng kết nối nhóm doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp phân phối truyền thống (hữu tuyến), doanh nghiệp thương mại điện tử Tp. Hồ Chí Minh với cộng đồng người việt ở nước ngoài. 

Về thực trạng ngành logistics trên địa bàn thành phố đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đã đề xuất giải pháp xây dựng thành phố trở thành Trung tâm dịch vị logistic phía Nam và khu vực. Đặc biệt, phát triển ngành logistics TP Hồ Chí Minh đảm bảo mục tiêu góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP.

Trên cơ sở đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với một số đơn vị liên quan đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh quy hoạch hình thành 7 trung tâm logistics, gồm: Cát Lái, Linh Trung, Hiệp phước, Tân Kiên, Củ Chi, Long Bình và khu công nghệ cao. Đánh giá lại một cách có hệ thống và khoa học các nền tảng sản xuất, xuất khẩu để nhận dạng bức tranh chung về xuất khẩu thành phố, nhất là thông qua sàn thương mại điện tử.

Từ đó, định vị nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu mà TP Hồ Chí Minh có thể quan tâm, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất các định hướng chiến lược làm cơ sở phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng chương trình hành động phát triển xuất khẩu của thành phố đến năm 2030, theo hướng thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu tiêu biểu.

Cần tối ưu khâu giao nhận

Theo ông Trần Thái Sơn, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc điều hành Tiki.vn, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm và giao dịch qua sàn thương mại điện tử ngày càng tăng, nhất là thị trường TP Hồ Chí Minh luôn gấp đôi và ba so với cả nước. Với tốc độ phát triển 20%-30% của thương mại điện tử như hiện nay, thì trong 5 phương tiện lưu thông trên đường có 1 phương tiện giao nhận hàng. 

Bên cạnh những doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử... gia nhập thị trường ngày càng nhiều, thì xu hướng đơn vị  kinh doanh nhỏ lẻ, người dân... cũng tham gia phân phối, bán hàng thông qua ứng dụng thương mại thương tử. Do đó, yêu cầu về phát triển hạ tầng giao thông phục vụ cho lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng, thương mại nói chung là vô cùng cấp thiết và nếu không được cải thiện sẽ khó phát triển.

Mặt khác, ở giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến như hiện nay, kênh bán hàng trực tiếp (offline) bị giới hạn trên phạm vi toàn cầu, nên để tìm nhà cung cấp, nguồn cung hàng hóa, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển hướng sang kênh bán hàng trực tuyến (online). Đặc biệt, thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) được doanh nghiệp đánh giá cao bởi không giới hạn không gian và thời gian, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhà cung cấp và khách hàng 24/7. 

Với những hỗ trợ về công nghệ, thương mại điện tử B2B ngày càng cho thấy những lợi ích về mặt kinh tế khi tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực và tiện lợi trong giao dịch mua bán, thanh toán không tiền mặt. Thương mại điện tử B2B cũng cho phép doanh nghiệp cập nhật thông tin liên tục với chi phí quản lý vận hành giảm đáng kể so với mở hệ thống bán lẻ trực tiếp, gia tăng doanh thu và lợi nhuận từ thị trường online.

Một số chuyên gia cho rằng, tác động của dịch COVID-19 đã gây cản trở giao thương quốc tế, nên xu hướng người mua - bán tham gia thị trường thương mại điện tử ngày càng tăng và xuất hiện xu hướng các hàng ngành xuất khẩu qua thương mại điện tử. Trong đó, thương mại điện tử B2B mang lại cho nhà cung cấp không chỉ đáp ứng nhu cầu mua hàng online của khách hàng, mà còn là giải pháp mở rộng mạng lưới kinh doanh, kết nối chuỗi cung ứng nội địa và tiếp cận thị trường nước ngoài, thử nghiệm sản phẩm mới...

Tuy nhiên, muốn kinh doanh thương mại điện tử thì doanh nghiệp rất cần hệ thống kho bãi, trung tâm giao nhận hàng hóa... nên lĩnh vực logistics cũng là lĩnh vực quan tâm hàng đầu đối với thương mại điện tử. Vì vậy, cần tập trung kho bãi, quy hoạch hạ tầng giao thông để giải quyết vấn đề giao nhận, tối ưu giao hàng trăm đơn hàng theo tuyến và thậm chí chỉ cần một chuyến xe. Thay vì để doanh nghiệp tự thân vận động, sở, ngành TP Hồ Chí Minh nên có cơ chế chính sách, giải pháp đa dạng loại hình giao thông như xe điện để giảm tình trạng những đơn vị kinh doanh, giao hàng hoạt động tự phát, bảo vệ môi trường...

Bà Phan Thị Bích Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tây Thái Bình Dương cho rằng, logistics là một trong những ngành mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh, không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà còn phải đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường nội địa. Hơn thế nữa, TP Hồ Chí Minh vừa là đầu tàu kinh tế của cả nước, vừa là trung tâm thương mại và đầu mối giao thương của nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đi các nước.

Trong khi đó, vấn đề nội tại của ngành logistics là vẫn quy hoạch theo tư duy các trung tâm logistics đi theo các cảngbiển, mà chưa mạnh dạn đánh giá nhu cầu thị trường để đáp ứng yêu cầu tối ưu khâu giao nhận hàng cho cả thị trường xuất khẩu lẫn trong nước. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành và vận hành trung tâm logistics vẫn không có cách nào để tiếp cận quỹ đất hoặc muốn có quỹ đất phải chi rất nhiều tiền để phục vụ chiến lược phát triển.

Mỹ Phương (TTXVN)
Thương mại điện tử - kênh phát triển kinh tế đầy tiềm năng
Thương mại điện tử - kênh phát triển kinh tế đầy tiềm năng

Hiện nay, thương mại điện tử đã và đang hấp dẫn cả doanh nghiệp kinh doanh lẫn người tiêu dùng trong hình thức thương mại toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN