TP.HCM đảm bảo nguồn hàng bình ổn phục vụ Tết 2014

Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến mùa kinh doanh cao điểm, mua sắm Tết 2014, nhưng hiện các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn tất kế hoạch dự trữ nguồn hàng, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu với giá cả tốt nhất để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

 

Lượng hàng tăng

 

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM, tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014 là 7.581 tỷ đồng, tăng 41% so với Tết Quý Tỵ năm 2013. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng so với Tết Quý Tỵ 2013. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến 31/1/2014), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 3.790,9 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 2.450,5 tỷ đồng.

 

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân thành phố trong dịp Tết ngay từ tháng 8, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo Sở Công thương và các sở, ngành xây dựng kế hoạch sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với mục tiêu đảm bảo cung ứng nguồn hàng dồi dào, phong phú, đảm bảo an toàn thực phẩm với giá cả ổn định, hợp lý.

 

Dự kiến, khả năng cung ứng hàng hóa của DN trong chương trình bình ổn năm nay tăng 69% so với năm ngoái, với khả năng chi phối nhu cầu thị trường dao động từ 30-60%. Đặc biệt, nhiều mặt hàng được DN chuẩn bị với số lượng lớn như dầu ăn ( tăng 61%), đường (75%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%), thực phẩm chế biến (64,7%), thịt gia súc (32%)…

Để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết 2014, nhiều DN tham gia chương trình bình ổn giá TP Hồ Chí Minh vẫn cam kết giữ giá.


Bên cạnh đó, dù các chuyên gia kinh tế dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết 2014 không tăng đột biến, nhưng các DN tham gia bình ổn giá đều có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 10-30% so với năm ngoái.

 

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, hiện công ty đang chuẩn bị 46.000 tấn hàng hóa bình ổn với tổng trị giá khoảng 3.900 tỷ đồng, trong đó có hơn 12.000 tấn lương thực, 8.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, 3.000 tấn thực phẩm chế biến và 16.000 tấn rau, củ, quả các loại...

 

Ngoài ra, công ty sẽ tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động với trị giá hàng hóa khoảng 20 tỷ đồng để đưa hàng đến các thị trường nông thôn, khu công nghiệp nhằm kích thích tiêu dùng dịp trước trong và sau Tết 2014.

 

Doanh nghiệp cam kết giữ giá

 

Bà Lê Ngọc Đào cho biết, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và DN còn nhiều lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm Tết. Tuy nhiên, đến thời điểm nay, các DN tham gia chương trình bình ổn vẫn cam kết đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến. Thậm chí, dù nguyên liệu đầu vào tăng nhưng nhiều DN vẫn sẵn sàng chia sẻ bớt gánh nặng với người tiêu dùng bằng hành động cam kết sẽ giữ giá ổn định trong những tháng trước, trong và sau Tết 2014.

 

“Dù giá nguyên liệu đầu vào có tăng nhưng do sức mua vẫn còn thấp cho nên chúng tôi vẫn cam kết giữ giá như Tết năm ngoái vì vậy người tiêu dùng yên tâm không lo tăng giá và thiếu hàng trong dịp Tết này. Năm nay, chúng tôi vẫn tập trung sản xuất khoảng 400 dòng sản phẩm Tết truyền thống như: giò, chả, lạp xưởng, thực phẩm chế biến, thực phẩm cao cấp.. Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị khoảng 40.000 con heo và dành khoảng 600 tỷ đồng chuẩn bị sản xuất thực phẩm đông lạnh, chế biến…”- ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc công ty kỹ nghệ súc sản Vissan chia sẻ.

 

Tương tự, một đại diện của Công ty Cổ phần bánh kẹo Bibica cũng cho biết, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng do sức mua yếu cho nên giá các hàng hóa phục vụ Tết chỉ tăng giá nhẹ 5%-10% tùy loại nhưng vẫn có khoảng 30% sản phẩm giữ nguyên giá thành năm 2013. Năm nay, sản lượng bánh kẹo công ty đưa ra phục vụ thị trường Tết 2014 là 1.250 tấn bánh kẹo và sô-cô-la các loại, tăng 10% so với năm ngoái.


Nhiều doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá đã đem hàng tới các khu chế xuất- khu công nghiệp để phục vụ nhu mua sắm của người công nhân lao động nghèo.


Bên cạnh đó, nhằm quản lý chặt chẽ giá cả hàng hóa trong dịp Tết, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đang yêu cầu các DN bình ổn giá đăng ký cụ thể các chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng để Sở thông tin rộng rãi tới người dân thành phố để người dân nắm bắt giá cả mà có những lựa chọn mua sắm tốt nhất trong dịp Tết.

 

“Để tránh tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến, chúng tôi cũng đã yêu cầu các đơn vị phân phối, DN tham gia chương trình bình ổn phải bám sát tình hình sức mua, giá cả hàng hóa. Trong trường hợp cao điểm, hút hàng, chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ hàng hóa để hỗ trợ DN phân phối nhằm bảo đảm thị trường lưu thông suôn sẻ, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa gây sốt giá”, bà Đào cho biết thêm.



Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN