TP.HCM từng bước khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), đồng chí Lê Hoàng Quân (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho TTXVN cuộc trao đổi, chia sẻ về những kết quả đạt được qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập cũng như những thách thức, mục tiêu của thành phố mang tên Bác trong những năm tới.

* Thưa đồng chí, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng, đồng chí có thể đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh trong 40 năm qua, đặc biệt là kết quả của 30 năm đổi mới?

Qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, trong đó có 30 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã kế thừa và không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần năng động, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với đặc điểm thực tiễn của thành phố. Đặc biệt, trên cơ sở quán triệt và triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực không ngừng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; kiên trì, quyết tâm thực hiện và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử; góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong 10 năm đầu (1975 - 1985), thành phố đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau giải phóng, giữ vững ổn định chính trị, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và chuyển đổi từ nền kinh tế tiêu thụ sang nền kinh tế sản xuất. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, thành phố đã nỗ lực vươn lên, phát triển sản xuất, từng bước khẳng định vị trí “đầu tàu kinh tế của cả nước”; từ thực tiễn của thành phố đã cung cấp nhiều kinh nghiệm về đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hình thành các chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước.

Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích và 8,8% dân số so với cả nước nhưng 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, kinh tế thành phố luôn giữ mức tăng trưởng hợp lý với quy mô ngày càng lớn và đi vào chiều sâu. Từ mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 1976 - 1985, bước sang giai đoạn đổi mới, nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế của thành phố duy trì tốc độ bình quân từ 10 - 12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước. Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2015, tuy bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố ước tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước.

Một góc TP Hồ Chí Minh hiện đại.


Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố qua các thời kỳ theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng. Đến cuối năm 2014, GDP khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 59,6%, tăng 7%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 39,4%, giảm 6%; khu vực nông nghiệp 1%, giảm 0,9% so với năm 2000. Các thành phần kinh tế tiếp tục được khuyến khích, phát triển. Đến nay, trên địa bàn thành phố có trên 2.000 doanh nghiệp, hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể; hơn 5.330 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 36,6 tỷ USD (chiếm 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài, 1/4 tổng mức vốn đăng ký của cả nước).

Đặc biệt, trong 30 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, thành phố đã vận dụng, thực hiện sáng tạo đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bám sát thực tiễn, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới, nhất là việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Xuất phát từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo điều hành, kết hợp với tính năng động, sáng tạo, thành phố đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách, đóng góp vào quá trình hình thành, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước một cách sáng tạo. Một số mô hình hiệu quả đã được nhân rộng cả nước như: Ban hành các quy định tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý; hình thành nền sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia; đề xuất Trung ương cho phép xây dựng các Khu chế xuất - khu công nghiệp tập trung trên địa bàn (KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên tại Việt Nam được thành lập năm 1991); tổ chức, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Công ty CP Cơ điện lạnh REE là doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993); gần đây là Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Thành phố Hồ chí Minh ngày nay.


Nhìn chung, phát triển kinh tế của thành phố trong 40 năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hiện tại, Thành phố đóng góp 21% GDP của cả nước, 30% nguồn thu ngân sách quốc gia và là một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn của cả nước.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị trong những năm qua đạt được những kết quả tích cực. Các khu đô thị mới như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc... được đầu tư xây dựng, phát triển hiện đại hài hòa với tổ chức không gian thành phố, từng bước tạo nên diện mạo đô thị khang trang, hiện đại.

Thành phố tập trung huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện công tác quy hoạch, quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, phát triển không gian và mỹ quan đô thị theo hướng hiện đại, bền vững; đã mạnh dạn đột phá trong kêu gọi đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp, hướng đến mục tiêu xã hội hóa từ giữa những năm 90, thu hút đầu tư cả vốn trong nước và vốn nước ngoài dưới hình thức BT, BOT, BTO, BOO và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI.

Trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2011 - 2015), thành phố làm mới trên 330 km đường, hơn 70 cây cầu, khởi công và hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị như đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài gòn, đường Phạm Văn Đồng, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Dự án nạo vét luồng Soài Rạp...; hiện đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương... Trong tương lai, khi hệ thống hạ tầng giao thông phát triển hoàn thiện về đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy sẽ đảm bảo cho thành phố là trung tâm liên kết giao thông của vùng, quốc gia và ASEAN; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Ngoài ra, thành phố có nhiều nỗ lực trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường...; đẩy mạnh công tác cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn như: Dự án vệ sinh môi trường nước thành phố lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 1); Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm)... góp phần rất lớn vào việc cải thiện môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị, giải quyết tình trạng ngập úng, cải thiện chất lượng sống cho hàng triệu người dân, đặc biệt là các khu dân cư nghèo, thu nhập thấp.

´Đồng chí có thể cho biết các kế hoạch, mục tiêu mà thành phố sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới để xứng đáng với vị thế của mình như Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị đã nhận định “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”?

Trên cơ sở những kết quả đạt được về kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố trong 40 năm sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025.

Thành phố Hồ Chí Minh đề ra một số mục tiêu quan trọng cụ thể gồm: Thành phố sẽ tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 9,5 - 10%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5 - 9%/năm. Tiếp tục thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả; phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm), phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đầu tư nâng cấp cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, hạn chế tác hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao. Thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp nhân dân; phấn đấu đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong mọi tình huống; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa; tăng cường, đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam và thành phố.

Có thể nói, đây là những mục tiêu đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất giữa các cấp, các ngành trong công tác triển khai thực hiện; yêu cầu sự nỗ lực và sáng tạo, dám nghĩ dám làm của Lãnh đạo thành phố và trên hết chính là sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

* Trong không khí cả nước nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng chí có lời nhắn nhủ, thông điệp gì gửi đến nhân dân thành phố và cả nước?

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, tuy có những giai đoạn thăng trầm, những khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thành; đặc biệt là truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần năng động, sáng tạo, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, thành phố thân yêu của chúng ta đã có những biến đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự giúp đỡ của đồng bào cả nước, bà con kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài và bạn bè quốc tế dành cho Thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt, xin trân trọng cảm ơn và ghi nhận những đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân thành phố, các doanh nghiệp, người lao động đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố trong 40 năm qua. Lãnh đạo thành phố tin tưởng sâu sắc và hy vọng thời gian tới, các tầng lớp nhân dân sẽ tiếp tục đồng thuận, chung sức đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng anh hùng, tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua mọi thử thách để hoàn thành các mục tiêu đặt ra; góp phần xây dựng thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình; xứng đáng với tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu - Thành phố Anh hùng.

Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch!

Hoàng Anh Tuấn (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN