“Cùng với việc các xe bị lực lượng chức năng cẩu đi, các tài xế cũng đã được công an mời về làm việc để được giải thích và cam kết không vi phạm”, ông Nguyễn Văn Điều cho hay.
Liên quan đến yêu cầu của chủ xe về việc công khai các thông tin về trạm thu phí (như tổng mức đầu tư, thời hạn thu, doanh thu hàng ngày…) theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Điều cho hay, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - đơn vị thu phí Quốc lộ 5) đang đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt lắp đặt bảng điện tử công khai thông tin về trạm thu phí BOT.
“Sau khi được chấp thuận chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ các thông tin như: tổng mức đầu tư; tổng thời gian thu; thời điểm bắt đầu thu; thời gian thu còn lại; doanh thu tháng trước; doanh thu lũy kế...”, ông Nguyễn Văn Điều chia sẻ.
Về mức phí tại trạm thu phí BOT, đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc giảm phí tại 2 trạm BOT trên Quốc lộ 5, đến nay đơn vị đã hoàn thành việc giảm phí của người dân thuộc đối tượng giảm phí trong đợt 1 từ ngày 1/8 vừa qua.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát những đối tượng thuộc danh sách được miễn giảm để xét miễn giảm trong các đợt tiếp theo”, đại diện Vidifi thông tin.
Theo thống kê của Trạm thu phí số 1 BOT quốc lộ 5, đến thời điểm này đã có 1.752 phương tiện thuộc các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ và huyện Văn Giang (đều thuộc tỉnh Hưng Yên) được cấp thể miễn, giảm phí. Số lượng phương tiện có hồ sơ chưa đủ điều kiện được miển, giảm phí của các huyện trên là 1.337 phương tiện.
Quốc lộ 5 có chiều dài trên 100 km, được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6/1996. Trên tuyến hiện có hai trạm thu phí. Đây là tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông đặc biệt lớn, trong đó nhiều xe container, loại xe nộp phí lớn nhất đi/đến cảng Hải Phòng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để đảm bảo khả năng hoàn vốn cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1621/2007/QĐ-TTg về cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc này; trong đó, cho Vidifi quản lý, thu phí hai trạm trên quốc lộ 5 cho đến hết thời gian kinh doanh dự án BOT, mức phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Như vậy, việc thu phí hai trạm trên Quốc lộ 5 là để hoàn vốn cho dự án đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (tổng vốn đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng). Ngoài ra, thu phí trên quốc lộ 5 là để hoàn vốn trực tiếp cho dự án cải tạo Quốc lộ 5
Trươc đó, theo văn bản số 4054/TCĐBVN-TC ngày 4/7/2018 về việc giảm phí sử dụng đường bộ tại 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/8/2018 thực hiện giảm 100% dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn của người dân (không kinh doanh).
Giảm 100% đối với xe buýt vận tải khách công cộng có tuyến cố định nội tỉnh (Hưng Yên, Hải Phòng). Giảm từ 45% đến tối đa 50% giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ (theo nguyên tắc làm tròn số) đối với cơ quan, tổ chức có trụ sở chính trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc vùng ảnh hưởng lân cận trạm thu phí.
Các địa phương thuộc diện giảm phí như sau: Tỉnh Hưng Yên gồm: Xã Lạc Hồng, Trưng Trắc, Đình Dù, thị trấn Như Quỳnh, Minh Hải (huyện Văn Lâm); thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào); Giai Phạm, Nghĩa Hiệp, Đồng Than (huyện Yên Mỹ); Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang).
Tại thành phố Hải Phòng, các địa phương thuộc phạm vi được xét miễn, giảm gồm xã: Lê Thiện, An Hưng, Đại Bản, Tân Tiến, An Hồng, Hồng Phong, An Hòa, Nam Sơn, Bắc Sơn, Lê Lợi (huyện An Dương); phường Quán Toan (quận Hồng Bàng).
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngoài danh sách hồ sơ đủ điều kiện được miễn, giảm phí ngày 1/8 vừa qua thì hàng quý đơn vị khai thác, vận hành cập nhật danh sách các phương tiện thuộc diện được giảm gửi Tổng Công ty phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam vào ngày 25 tháng cuối quý và hồ sơ gửi kèm danh sách các phương tiện được giảm giá.