Theo các doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL, hiện các nhà máy chế biến cá tra đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, trong khi đó, chi phí đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, nông dân vẫn treo ao, vì không còn vốn đầu tư và nuôi sợ bị lỗ tiếp…
Khu vực nuôi cá tra của Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Cần Thơ). Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Hiện nay, đã có 50% nhà máy phải đóng cửa, số còn lại thì hoạt động cầm chừng, cho công nhân nghỉ luân phiên. Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng thiếu nguyên liệu này có thể còn kéo dài. Nếu không có giải pháp tích cực và căn cơ để phục hồi lại vùng nuôi cá tra thì chế biến xuất khẩu cá tra 2011 khó đạt kế hoạch đề ra.
Vì sao dân treo ao?
Các doanh nghiệp có nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cho biết: Lâu nay mọi người đều nghĩ rằng, xuất khẩu cá tra là nghề siêu lợi nhuận, nên đã có nhiều người nhảy vào. Kể cả nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, lúa gạo, du lịch… không có chuyên môn nghề cá cũng đầu tư xây dựng nhà máy. Còn nông dân chưa từng nuôi cá, không hiểu biết sâu về kỹ thuật và quy trình nuôi… cũng phá bỏ ruộng vườn đào ao, hầm nuôi cá. Dẫn đến việc có quá nhiều người nuôi, nhiều doanh nghiệp chế biến ra đời nên tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh: Lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu cho nhà máy, nông dân nuôi lúc lỗ lúc lãi thiếu bền vững. Kết quả cuối cùng là hàng loạt doanh nghiệp chế biến cầm chừng, hàng loạt nông dân treo ao vì thua lỗ…
Thực tế cho thấy, một nhà máy công suất chế biến trung bình 100 tấn/ngày, nếu hoạt động hết công suất sẽ phải bù thêm chi phí vài tỉ đồng/tháng. Nhiều nhà máy đã tạm dừng hoạt động, hàng ngàn công nhân mất việc làm.
Tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến đã được dự báo từ cuối năm 2010, nên hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL hoạt động không đủ sản xuất. Riêng ở các nhà máy đầu tư nuôi tạo được nguồn nguyên liệu cũng chỉ chủ động được 50 - 60% công suất chế biến. Trong tình hình khó khăn này nếu nhà máy nào có vùng nguyên liệu có thể cầm cự được vài tháng, chờ đến kỳ thu hoạch. Còn hiện tại, hầu hết phải giảm công suất chế biến xuống còn 50 - 60% so với công suất thiết kế.
Trong khi đó nhiều hộ nông dân nuôi cá cho rằng, mặc dù giá cá nguyên liệu cao nhưng cũng không dám thả nuôi. Vì mỗi ha ao nuôi cho sản lượng 200 tấn cá, trong đó phần đầu tư về thức ăn, con giống, thuốc men… cần phải có vốn đầu tư từ 4 tỷ đồng. Nếu lấy tài sản thế chấp 1 ha đất, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 250 triệu đồng/ha. Với chi phí đầu tư ngày càng cao, cộng với lãi suất ngân hàng quá cao và không vay được nhiều… nên nông dân ngán vay vốn để sản xuất. Từ những khó khăn này nên đến nay toàn vùng ĐBSCL có khoảng 40% diện tích nuôi cá bị treo ao do nông dân gặp khó khăn về vốn.
Quy hoạch chế biến và vùng nuôi...
Theo ông Lê Chí Bình, để giải quyết được giai đoạn khó khăn này để phục hồi được nghề nuôi và chế biến, thu hút nông dân nuôi cá tra xuất khẩu, giải pháp chủ yếu và không kém phần quan trọng là phải quy hoạch lại các nhà máy chế biến để tránh thừa thải công suất như hiện nay và quy hoạch lại vùng nuôi theo tiêu chuẩn chất lượng.
Rút kinh nghiệm từ việc phát triển nuôi trồng thủy sản chưa tuân thủ quy hoạch dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa cá tra từ năm 2007, 2008 đã để lại hậu quả nặng nề cho năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. Nhiều hộ nuôi cá tra phải treo hầm do thua lỗ, nợ nần.
Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp được chọn làm điểm, trên địa bàn tỉnh An Giang đang có nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện chuỗi liên kết như Công ty Mazzetta, nhà nhập khẩu phân phối thủy sản đông lạnh hàng đầu của Mỹ, đã liên kết với đơn vị Proconco - nhà máy thức ăn chăn nuôi của Pháp tại Việt Nam, triển khai dự án nuôi cá tra an toàn sinh học tại An Giang, với quy trình khép kín: Nguồn thức ăn, nông trại, chế biến đến người tiêu dùng. Công ty Binca Seafoods Việt Nam từ năm 2009 đến nay đã liên kết với Công ty Tuấn Anh (Ntaco) xây dựng vùng nuôi cá tra có diện tích rộng 35 ha, đạt chuẩn Global GAP và đầu tư số vốn trên 2 triệu USD cho các hộ dân trong tỉnh nuôi cá tra sinh thái, cung cấp sản lượng 1.200 tấn/năm…
Tỉnh An Giang đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết dọc cá tra, basa của tỉnh. Trước mắt đã chọn 3 doanh nghiệp là Công ty Agifish, Công ty Việt An và Công ty Thuận An để hình thành vùng nuôi theo chuỗi liên kết. Trong đó các doanh nghiệp quy hoạch vùng nuôi cá nguyên liệu, ký kết hợp đồng sản xuất cung cấp nguyên liệu cá sạch phục vụ chế biến thủy sản. Lợi nhuận thu được doanh nghiệp và ngư dân cùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thuận An cho biết: Công ty đã chọn lọc và mời được 15 hộ nông dân nuôi cá hợp đồng liên kết hình thành chuỗi sản xuất với công ty với diện tích 85 ha nhưng hiện nay đang tắc vì thiếu vốn đầu tư để phục hồi lại vùng nuôi. Công ty đã cùng nông dân nuôi cá có buổi làm việc với ngân hàng để vay vốn nhưng không thành công. Vì ngân hàng định giá cho vay 1 ha đất nuôi thủy sản thế chấp ở mức quá thấp và vốn vay chỉ ở mức 50%/ha nên không đủ vốn đầu tư vùng nuôi.
Để tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho mô hình chuỗi liên kết nuôi cá tra thành công, bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh An Giang đã đề nghị UBND tỉnh có chủ trương cho hộ dân vay vốn nuôi cá tra trong mô hình thí điểm chuỗi liên kết được vay100% giá trị tài sản thế chấp đất, nhà và định lại giá đất nuôi trồng thủy sản ở mức hợp lý vì ao nuôi phải đầu tư, trong khi ngân hàng chỉ tính như đất trồng lúa?… Để mô hình chuỗi liên kết cá tra xuất khẩu của An Giang thành công thì khâu khó nhất hiện nay là vốn được đáp ứng thì nguồn cá tra xuất khẩu không dừng lại ở tỉnh An Giang mà nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra của ĐBSCL sẽ khởi sắc.
Lê Hiền - Quốc Thái