Triển vọng kết thúc đàm phán TPP trong năm 2015

Sau 19 phiên đàm phán chính thức (tính đến hết tháng 12/2014), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2015. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Lương Hoàng Thái (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Phó trưởng đoàn đàm phán TPP về những vấn đề liên quan. 

Trưởng đoàn các nước nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trả lời họp báo tại khách sạn Intercontinental, Singapore, chiều 20/5/2014. Ảnh: Lê Hải – TTXVN


* Thưa ông, liệu chúng ta có thể kỳ vọng việc đàm phán Hiệp định TPP sẽ chính thức kết thúc và được ký kết trong năm 2015 hay không? 

Đàm phán TPP hiện nay là một trong những cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất trên thế giới với tỷ trọng GDP của các nước tham gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Với quy mô 12 nước có nền kinh tế lớn như vậy, vấn đề đàm phán bao giờ cũng rất phức tạp. 

Cho đến nay, tất cả các nước tham gia đã đi đến giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán. Đặc biệt, tại cuộc gặp của lãnh đạo các nền kinh tế bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vừa qua, lãnh đạo các quốc gia thành viên TPP đã đưa ra một số định hướng để có thể kết thúc Hiệp định này trong khoảng thời gian sớm nhất. Các quốc gia đều đang nỗ lực làm việc theo đúng chỉ đạo của các lãnh đạo cấp nhà nước đưa ra để có thể hoàn thành việc đàm phán về kỹ thuật trong khoảng thời gian quý I hoặc đầu quý II/2015, từ đó sớm có thể trình nội dung này lên cấp lãnh đạo nhà nước quyết định. 

* Đâu là những khó khăn và vướng mắc lớn nhất trong các vòng đàm phán của TPP của Việt Nam, thưa ông? 

Như chúng ta đều biết, TPP là một hiệp định hướng tới một tiêu chuẩn rất cao, thậm chí có thể coi là một tiêu chuẩn chưa từng có tiền lệ trước đây. Điều này khiến cho tất cả các nước tham gia, muốn đạt được đến tiêu chuẩn cao này đều rất khó khăn, đặc biệt là ở một số lĩnh vực then chốt như sở hữu trí tuệ hay lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa. 

Đối với Việt Nam, vấn đề khó nhất là chúng ta phải đấu tranh trong các cuộc đàm phán là làm thế nào để các nước mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ thương mại của nước ta thâm nhập ở mức mà doanh nghiệp của chúng ta có thể tận dụng được trong tương lai. Đặc biệt là những mặt hàng chứa những lợi ích cốt lõi của Việt Nam, nhưng tại các nước khác, lại thường là những mặt hàng nhạy cảm, thậm chí có rào cản rất lớn, ví dụ như: Dệt may, giày dép, nông sản, thủy hải sản... là những mặt hàng ta có thế mạnh xuất khẩu. 

Một thách thức khác, đó là vấn đề điều chỉnh pháp luật như thế nào cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam là một trong các nước có trình độ phát triển thấp nhất trong số các nước tham gia đàm phán hiệp định TPP, do vậy thách thức của chúng ta thậm chí còn lớn hơn so với các quốc gia khác. Chúng ta phải điều chỉnh pháp luật sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý hải quan, hay sửa đổi các quy định về lao động phải làm sao phù hợp với các tiêu chuẩn của tổ chức lao động thế giới (ILO). Đó là các thách thức rất lớn đối với Việt Nam. 

* Theo một số chuyên gia kinh tế, TPP sẽ gây tác động rất mạnh tới nền kinh tế Việt Nam với lộ trình cắt giảm thuế quan ngắn và ở mức sâu nhất. Trong khi đó, những thông tin hướng dẫn cụ thể về vấn đề này hiện còn đang rất ít, điều này gây ra tình trạng bị động cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Ông đánh giá về ý kiến này như thế nào? 

Trong quá trình đàm phán các FTA, đặc biệt là các hiệp định thương mại đa phương dự kiến sẽ có những tác động rất lớn tới nền kinh tế và doanh nghiệp nội địa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan đàm phán thường xuyên tham vấn với những đối tượng, đặc biệt là những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các hiệp định này. Bộ Công Thương đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, trong quá trình đàm phán, phối hợp lấy thông tin và các ý kiến từ các đối tượng liên quan. Đối với một số vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp còn cử cán bộ đi cùng với đoàn đàm phán, chủ động đóng góp ý kiến ngay bên lề vòng đàm phán. 

Trong thời gian tới, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ý kiến, đặc biệt là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đoàn đàm phán, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai tốt nhất việc này. Đồng thời, ngay khi kết thúc đàm phán ở nội dung nào, chúng tôi sẽ tiến hành công bố thông tin theo đúng quy định mà các nước tham gia đàm phán cho phép, để doanh nghiệp có thể sớm chuẩn bị đón đầu các cam kết về mở cửa thị trường và hưởng những lợi ích mà đàm phán mang lại trong thời gian ngắn nhất. Thông thường, tất cả các hiệp định thương mại tự do sẽ có một khoảng thời gian từ khi hiệp định được ký kết cho tới khi có hiệu lực. Đây là khoảng thời gian dành để phê chuẩn Hiệp định, đồng thời cũng là để dành thời gian cho các đối tượng liên quan chuẩn bị, đặc biệt là các doanh nghiệp tận dụng được những cơ hội cũng như thách thức mang tới. 

Xin cám ơn ông.


Diệu Linh (thực hiện)
TPP và RCEP - cơ hội thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam
TPP và RCEP - cơ hội thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và đàm phán hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ góp phần tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN