Theo hãng thông tấn Kyodo, trưởng đoàn đàm phán 12 nước thành viên tham gia sáng kiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhóm họp ở New York (Mỹ) ngày 26/1, trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy nhằm đạt được thỏa thuận mang tính đột phá vào mùa xuân này.Phó Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Hiroshi Oe (phải) và quyền Phó đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler trước cuộc đàm phán song phương về TPP tại Tokyo ngày 14/1/2014. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Phiên đàm phán kéo dài một tuần này được xem là cơ hội để giải quyết các vấn đề cần được thảo luận ở cấp bộ trưởng. Giới chức các nước cho rằng mùa xuân 2015 là hạn chót hợp lý để kết thúc quá trình đàm phán đã kéo dài suốt 5 năm qua, vì cuối năm nay Mỹ sẽ bước vào chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc thu hẹp bất đồng về hàng loạt vấn đề, như quyền sở hữu trí tuệ, thuế và thiết lập các quy định thống nhất về cạnh tranh công bằng, mở đường cho một cuộc họp cấp bộ trưởng giữa các nước thành viên đạt được thỏa thuận.
Phát biểu với báo giới trước khi lên đường đến New York tuần trước, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản Koji Tsuruoka cho biết ông "không nghi ngờ" về việc các nước thành viên TPP sẽ chứng kiến triển vọng một cuộc đàm phán cấp bộ trưởng sẽ sớm được tổ chức, khi mà Nhật Bản và Mỹ - hai nền kinh tế lớn nhất tham gia đàm phán - cùng nỗ lực tối đa để kết thúc đàm phán. Ông Tsuruoka cũng cho rằng Mỹ - quốc gia dẫn đầu trong đàm phán TPP - đã bắt đầu thể hiện "sự nghiêm túc" về việc ký hiệp định, qua phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong Thông điệp Liên bang nhân dịp Năm mới 2015 hối thúc Quốc hội trao cho ông quyền đàm phán nhanh để hoàn tất các cuộc đàm phán TPP.
Theo giới thạo tin, ngoài đàm phán chung lần này, Tokyo và Washington dự kiến cũng sẽ có các cuộc đàm phán song phương về vấn đề kinh doanh ô tô vào ngày 28/1 và việc mở cửa thị trường nông sản vào ngày 2/2 tới.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.
Ở các vòng đàm phán trước, Mỹ hối thúc Nhật Bản mở rộng cửa thị trường nông sản, trong khi Tokyo muốn duy trì hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng nông sản trong nước như lúa gạo, lúa mỳ, thịt bò, thịt lợn, đường, sữa... Việc giải quyết bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất này có vai trò quan trọng để thúc đẩy tiến trình đàm phán chung.
Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
TTXVN/Tin tức