Vừa hái những quả phúc bồn tử đen chín mọng, anh Trinh vui vẻ cho biết, tháng 6/2020 trong chuyến đi Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tham quan mô hình trồng cây phúc bồn tử đen rất độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao được các hộ dân, trang trại trồng nhân rộng.
Qua tìm hiểu, phúc bồn tử đen (còn gọi là quả mâm xôi đen) tên tiếng Anh là blackberry có nguồn gốc xuất xứ từ quốc gia Israel, trái chín màu tím đen, vị chua ngọt, thơm ngon được xem là "hoàng hậu" của các loại quả nhờ chứa nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Với niềm đam mê trồng các loại rau, trái cây giàu chất dinh dưỡng, anh Trinh đã quyết định đặt mua 250 cây giống về trồng thử nghiệm. Qua quá theo dõi, cây phúc bồn tử đen sinh trưởng và phát triển khá phù hợp với khí hậu ở Ninh Thuận, cây khỏe, ít sâu bệnh.
Sau 8 tháng trồng cây phúc bồn tử đen bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, quả chín đen mọng, đều quả, quả to trung bình từ 80 - 90 quả/kg đạt chất lượng thương phẩm và "bán hết sạch". Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ loại quả mới lạ này ở địa phương, anh Trinh quyết định mua thêm 250 cây giống về trồng trên diện tích 1 sào (1.000 m2) trong nhà lưới.
Anh Trinh chia sẻ, cây phúc bồn tử đen có ưu điểm là cho quả quanh năm và thời gian thu hoạch kéo cả cả chục năm nếu người trồng chăm sóc tốt. Hiện tại, gia đình anh đang thu hoạch phúc bồn tử đen cách nhật (một ngày hái, một ngày nghỉ) với năng suất khoảng 7kg trái chín/ngày/sào, giá bán bình quân ra thị trường 150.000 đồng/kg giúp anh Trinh có thu nhập gần 16 triệu đồng mỗi tháng.
Phúc bồn tử đen là loại cây khá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu gồm giống, vật tư để trồng 1 sào cây phúc bồn tử đen khoảng 50 triệu đồng. Để cây phát triển tốt, anh Trinh làm khung giá đỡ hình chữ V, cắm cọc 2 bên của luống, mỗi cọc cao 2 mét, hàng cách hàng 2 mét và cột bằng hệ thống cây tre, dây để giữ thân cây phát triển bên trong; đồng thời thử nghiệm phương pháp trồng cây vươn theo cọc hàng rào tạo thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch.
Ngoài ra, anh Trinh còn lắp đặt hệ thống tưới cây tự động ngầm, thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm trong vườn, bón phân hữu cơ và bổ sung lượng phân khác cho phù hợp với thời gian cây cho quả. Cây phúc bồn tử đen là loại cây ưa sáng, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển từ 25 đến 32 độ C, trong quá trình trồng tránh để cây bị ngập úng, định kì tỉa thưa cành, lá già úa chỉ để lại những cành lớn khỏe. Trồng cây phúc bồn tử đen trong nhà lưới kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học, bẫy sinh học có nhiều ưu điểm vượt trội trong việc phòng ngừa các đối tượng dịch hại, mưa gió, giúp việc quản lý thuận tiện tránh được chim ăn khi quả chín.
Anh Trinh cho hay, sản phẩm phúc bồn tử đen của gia đình hiện đang cung cấp cho thị trường trong tỉnh, một số bạn hàng tại Thủ đô Hà Nội,Tp. Hồ Chí Minh, sản phẩm thu hoạch hàng ngày không đủ cung cấp do nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn.
Từ thành công ban đầu của mô hình trồng cây phúc bồn tử đen, trong năm 2022 anh Trinh dự kiến mở rộng diện tích trồng để tăng sản sản lượng thu hoạch quả tươi, nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm từ loại trái cây nông sản này như rượu, siro, mứt…Đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm phúc bồn tử Phan Rang, kết hợp mở cửa vườn tạo một điểm du lịch trải nghiệm, hái quả ngay tại vườn hấp dẫn du khách.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Trinh cũng sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây phúc bồn tử đen cho các hộ có nhu cầu liên kết trồng để phát triển kinh tế ở địa phương. Ngoài trồng cây phúc bồn tử đen, anh Trinh còn được biết đến là một trong những người tiên phong đưa cây măng tây xanh về trồng ở Ninh Thuận từ hơn chục năm trước, cây măng tây xanh được xem là "rau vua" có giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế rất cao, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Măng tây xanh đã được tỉnh Ninh Thuận công nhận là sản phẩm đặc thù của địa phương.
Ông Trần Ngọc Minh, Chủ tịch UBND phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, mô hình trồng cây phúc bồn tử đen của anh Nguyễn Văn Trinh là một trong những mô hình mới được triển khai tại phường Văn Hải. Hiệu quả kinh tế ban đầu từ mô hình này là cơ sở giúp các nông hộ trên địa bàn có thể nghiên cứu học tập, phát triển diện tích nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với chủ cơ sở trồng theo dõi, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, nghiên cứu triển khai mô hình trồng cây phúc bồn tử đen giúp bà con phát triển kinh tế.