Sinh ra và lớn lên tại xã Nậm Lạnh, chị Lan thấu hiểu được những khó khăn của đồng bào người Thái nơi đây. Sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, do điều kiện gia đình khó khăn, chị Lan không đi học tiếp mà cùng gia đình phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Chị Lò Thị Lan cho biết, sau khi nghỉ học, chị xây dựng gia đình. Lúc đó, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả. Gia đình chị có nhiều đất, nhưng phần vì không có vốn đầu tư sản xuất, phần vì chưa biết cách áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nên gia đình chị vẫn rất khó khăn. Làm thế nào để phát triển kinh tế, thoát nghèo là trăn trở của hai vợ chồng chị trong nhiều năm.
Năm 2002, gia đình chị Lan được Nhà nước hỗ trợ cây cam đường canh giống về trồng. Thời điểm đó, cam đường canh có giá bán thấp, thị trường tiêu thụ không nhiều, sau khi trồng xong, gia đình không chăm sóc mà để cây cam phát triển tự nhiên. Đến năm 2013, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị Lan nhận thấy cam đường canh là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Sau đó, vợ chồng chị đã tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật chăm sóc, cách ghép, chiết cành, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để nhân rộng thêm diện tích vườn cam. Bên cạnh đó, chị thường xuyên tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Sơn La tổ chức… Dần dần, chị Lan đã nắm vững hơn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam đường canh.
Sau thời gian dài cần cù, chịu khó chăm sóc, vun trồng, từ năm 2017 đến nay, 1 ha cam đường canh của gia đình chị Lan cho năng suất hơn 10 tấn quả mỗi năm. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, gia đình chị thu được trên 200 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Để cây cam đường canh sinh trưởng và phát triển tốt, hàng năm, chị Lan luôn chủ động học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đồng thời ứng dụng những khoa học kỹ thuật mới trong khâu bón phân và phòng trừ sâu bệnh, cải tiến kỹ thuật canh tác, để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng hiện nay là hướng đến thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh, có lợi cho sức khỏe... do vậy, trong quá trình chăm sóc, gia đình chị Lan chỉ sử dụng phân trâu, bò mục, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, công việc phát dọn cỏ được làm thủ công. Nhờ đó, cam của gia đình chị Lan được người tiêu dùng ưa chuộng, thương lái quen thuộc vẫn về tận vườn nhà chị thu mua.
Với vai trò là hội viên nông dân điển hình trong phát triển kinh tế, chị Lan đã tích cực vận động các hội viên ở bản Phổng chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây cam, cây quýt trên đất dốc. Bên cạnh đó, gia đình chị Lan còn hỗ trợ kỹ thuật và vốn không tính lãi cho 6 hộ dân khó khăn ở bản Phổng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Mòng Văn Ương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Lạnh cho biết: Chị Lan là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã. Nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm trong lao động sản xuất, gia đình chị Lan đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2015 - 2020 cấp tỉnh, một số cơ quan, đoàn thể trong xã Nậm Lạnh và huyện Sốp Cộp tặng Giấy khen.
Đặc biệt, trong dịp Kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2020) và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến tỉnh Sơn La lần thứ III, tổng kết 5 năm phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2015 - 2020, chị Lan vinh dự được nhận Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Sơn La.
Có thể khẳng định, mô hình trồng cây cam đường canh của gia đình chị Lò Thị Lan đang là hướng đi phù hợp với chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chị Lan thực sự là tấm gương sáng vượt khó vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu, xứng đáng để các hội viên Hội Nông dân khác học tập và làm theo, qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.