Clip nông dân Thái Thụy trồng, chăm sóc cây thuốc lào:
Theo bà Nguyện Thị Lệ, thôn Thượng Phúc, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình), thời điểm này cây đang đà sinh trưởng mạnh, cần cắt tỉa những lá dưới gốc, những chồi non ở khe lá để cây tập trung dinh dưỡng cho những lá ở trên ngọn. Để cây phát triển khỏe, tránh bị gió, mưa làm gãy đổ, người dân tập trung vun gốc, tạo luống và bón thúc để cây cho năng suất cao.
Vì là cây trồng lấy lá nên mỗi cây thuốc lào, người dân chỉ để khoảng 15-25 lá, đến khi lá già, ngả màu vàng thì tập trung thu hoạch đại trà.
Lá thuốc lào được thu hái hết về nhà, lọc bỏ "cẫng" lá và làm thành cuộn, thái nhỏ, phơi khô. Không riêng gì ở Thái Bình mà các địa phương khác trên cả nước như: Tiên Lãng (Hải Phòng), Thanh Hóa, Nghệ An… cũng trồng nhiều thuốc lào, nhưng chỉ ở vùng đất phù sa của Thái Bình thì cây thuốc lào mới phát triển tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Tỳ, thôn Thượng Phúc, xã Thụy Trường cho biết: Năm 2021, gia đình bà trồng 2,5 sào thuốc lào, cho thu hoạch 2,5 tạ. Với giá bán thời điểm đầu tháng 6/2021 gia đình bà thu về 25 triệu đồng. Trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, gia đình cũng có lãi từ 15-18 triệu đồng.
Theo những nông dân trong vùng Thái Thụy, trồng cây thuốc lào rất vất vả, chu kỳ của thuốc lào là 6 tháng kể từ khi gieo hạt đến lúc thu hái. Thứ cây vừa cay, đắng, hao tổn sức khỏe và độc hại là vậy nhưng vì chưa có cây trồng nào có thể thay thế và chính thuốc lào cũng mang lại thu nhập cao hơn các cây trồng khác nên người dân nơi đây vẫn trồng nhiều thuốc lào.