Họ liên kết lại thành hợp tác xã (HTX) Thạnh Bắc và sản xuất theo quy trình trái cây sạch. Khi đã có thương hiệu, sản phẩm được tiêu thụ ổn định, bước đầu đem lại nguồn thu nhập cao cho các xã viên.
Tại vườn xoài trĩu quả, ông Châu Văn Phách 53 tuổi, tổ 3, ấp Bàu Rã, xã Thạnh Bắc chia sẻ, 1,5 ha đất ban đầu gia đình chỉ trồng sắn, sau trồng điều, nhưng 2 loại cây này giá cả bấp bênh, không hiệu quả. Đầu năm 2008, ông cùng một số bà con trong ấp chuyển sang trồng xoài tứ quý.
Theo ông Phách, từ khi đặt cây giống, xoài cho thu hoạch mùa đầu tiên và năng suất cây trồng sẽ tăng dần từng năm. Đến nay, vườn xoài của ông luôn đạt năng suất bình quân trên 20 tấn/ha. Giá bán cho thương lái tại vườn hiện khoảng 25.000 đồng/kg giúp ông Phách thu được gần 900 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi trên 700 triệu đồng.
Vườn xoài tứ quý 1,5 ha của ông Châu Văn Phách, xã viên HTX Thạnh Bắc. |
Ông Phách cho biết thêm, cây xoài tứ quý dễ bị nhiễm 3 loại bệnh chính là sâu đục thân, kháng thư (rụng trái non) và ruồi vàng đục trái. Nếu không theo dõi, phòng trị kịp thời sẽ không cho hiệu quả tốt. Hầu hết vườn xoài được xã viên bao trái bằng bọc nilon từ khi còn non cho đến lúc thu hoạch. Cách làm này vừa ngăn được ruồi vàng đục trái, vừa không phải xịt nhiều thuốc trừ sâu nên bảo vệ an toàn, chất lượng cho quả và sức khỏe người tiêu dùng.
Bà Võ Thị Nuôi - Chủ nhiệm HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc cho biết, hiện HTX có 16 thành viên đang canh tác 22,4 ha xoài từ 5 - 10 năm tuổi, mỗi thành viên có từ 0,5 - 3 ha xoài. Trước đây, người trồng xoài thường gặp điệp khúc được mùa, mất giá do thương lái o ép nhưng từ khi thành lập HTX đã có liên kết thống nhất nên giá thu mua và đầu ra ổn định.
Đời sống của xã viên khá hơn. Người dân có điều kiện xây nhà mới, sắm xe, nuôi con ăn học. Theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, tỉnh, HTX sẽ thực hiện chương trình sản xuất xoài theo quy trình VietGap, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo thương hiệu để xoài tứ quý của HTX Thạnh Bắc đủ tiêu chuẩn vào siêu thị và xuất khẩu - bà Nuôi cho hay.
Trưởng Trạm khuyến nông huyện Tân Biên Huỳnh Văn Cư đánh giá, những năm gần đây, giá cao su, mía, sắn... xuống thấp. Một bộ phận nông dân huyện mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như chuối Nam Mỹ, xoài cát chu, xoài tứ quý, bưởi da xanh với diện tích ngày càng lớn.
Tuy nhiên, ông Cư khuyến cáo, trước khi chuyển đổi cây trồng với diện tích lớn, người nông dân nên hình thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ. Người nông dân phải liên kết với nhau, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rõ ràng với doanh nghiệp có uy tín, tránh tình trạng thương lái ép giá hoặc không mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch do sản xuất tự phát.
Đặc biệt, mô hình sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap... sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, sạch, có uy tín và tiêu thụ bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.