Theo Bộ trên, Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001. Ngày 11/12 vừa qua đánh dấu việc Điều 15 trong Nghị định thư về việc Trung Quốc gia nhập WTO hết hạn. Điều khoản này cho phép các thành viên khác trong WTO đối xử với Trung Quốc như đối với một nền kinh tế phi trị trường và sử dụng chi phí sản xuất hàng hóa ở một nước thứ ba để đánh giá hàng hóa của Trung Quốc có được bán thấp hơn giá thành sản phẩm hay không. Tuyên bố trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ Mỹ và EU đã không tuân thủ nghĩa vụ quốc tế khi không chấm dứt biện pháp chống bán phá giá đối với các mặt hàng của Trung Quốc.
Tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker tuyên bố hiện chưa phải là "thời điểm chín muồi" để Mỹ công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, đồng thời khẳng định các biện pháp chống bán phá giá sẽ được giữ nguyên. Một quan chức cấp cao Bộ này ngày 12/12 cho biết Washington vẫn quan ngại về sự mất cân bằng nghiêm trọng trong nền kinh tế do nhà nước điều hành ở Trung Quốc. Theo quan chức này, Trung Quốc đã không thực hiện những cải cách cần thiết để hoạt động trên nguyên tắc thị trường, và thỏa thuận WTO không tự động buộc các thành viên phải trao quy chế thị trường cho Trung Quốc.
Cũng trong tháng 11, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo cách tính mới chống bán phá giá và bảo hộ đối với Trung Quốc, theo đó bỏ khái niệm "nền kinh tế phi thị trường" và thay bằng thuật ngữ "xáo trộn thị trường". Phương pháp mới này bỏ cách tính dựa trên chi phí sản xuất ở nước thứ ba, song vẫn để ngỏ việc tham khảo chi phí và giá quốc tế trong các trường hợp chống bán phá giá nếu phát hiện có "xáo trộn thị trường".
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái trên của Mỹ và EU gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu và việc làm của một số ngành công nghiệp ở Trung Quốc cũng như thể hiện "chủ nghĩa bảo hộ ngầm" và "thiên vị" của phương Tây.
Trong một bài viết đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày 12/12, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành (Gao Hucheng) kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên WTO tôn trọng luật pháp quốc tế và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế. Ông Cao Hổ Thành nêu rõ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ các lợi ích của đất nước và sẽ tiến hành các bước tiếp theo đối với các nước thành viên WTO không thực hiện nghĩa vụ.
Một quan chức WTO xác nhận Trung Quốc đã yêu cầu tiến hành tham vấn với Mỹ và EU về vấn đề trên. Nếu Mỹ và EU bác yêu cầu ban đầu này của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ đề nghị WTO thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia và đưa ra phán quyết cuối cùng. Quá trình này có thể kéo nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.