Lần đầu tiên Trung Quốc thay Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố tổng giá trị nền kinh tế Trung Quốc hiện nay lên tới 17,6 ngàn tỷ USD, đẩy Mỹ xuống vị trí thứ hai với 17,4 nghìn tỷ.
Các thành phố trọng điểm của Trung Quốc như Thượng Hải (ảnh) chuyển mình biến đổi theo sự phát triển kinh tế vượt bậc của Trung Quốc.
|
Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM), hiện nay, Trung Quốc đang thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kể từ năm 1872, Mỹ vượt Anh liên tục đứng đầu kinh tế toàn cầu, nhưng hiện nay quốc gia này đã mất đi ngôi vị thống trị kinh tế của mình.
Con số mới nhất IMF vừa công bố cho thấy tổng giá trị nền kinh tế Trung Quốc hiện nay lên tới 17,6 nghìn tỉ USD, điều này đã lật ngược tình thế, biến Trung Quốc thay Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Các chuyên gia kinh tế mô tả việc lật đổ Mỹ sau gần 150 năm của Trung Quốc là một mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh vượt bậc trong vài thập kỉ trở lại đây và có quá trình công nghiệp hóa phát triển nhanh chóng. IMF dự đoán tới năm 2019 Trung Quốc vẫn sẽ giữ vị trí đứng đầu và có tổng giá trị kinh tế lên tới 26,8 nghìn tỉ USD. Con số được tính dựa trên phương pháp “sức mua tương đương” (PPP) – phương pháp có thể tính toán tổng giá trị kinh tế các nước một cách chính xác mặc dù hàng hóa tại các nước như Trung Quốc thường rẻ hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, nếu như không tính theo phương pháp này, tổng giá trị nền kinh tế Trung Quốc vẫn thấp hơn Mỹ gần 10,2 nghìn tỉ USD.
Một nhà máy sản xuất ô tô tại Bắc Kinh. Công nghiệp hóa là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế Trung Quốc.
|
Quá trình công nghiệp hóa và tái cơ cấu kinh tế đã tạo nên một siêu cường quốc về kinh tế tại phương Đông và góp phần đưa Trung Quốc tiến tới ngôi vị quán quân kinh tế toàn cầu.
IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng năm nay của Trung Quốc là 7,4%. Tuy con số tăng trưởng của Trung Quốc có giảm trong mấy năm vừa qua nhưng vẫn được coi là một con số lớn theo tiêu chuẩn của phương Tây. Trái lại, con số của Mỹ khiêm tốn ở mức 2,2% và dự đoán năm sau sẽ chỉ lên tới 3,1%.
IMF nhận định rằng Mỹ và Vương Quốc Anh đang tiến tới tình trạng kinh tế tăng vọt trở lại khi các quốc gia này vừa thoát khỏi suy thoái. Nhưng Olivier Blanchard – một nhà kinh tế học kiêm giám đốc quản lí IMF, cảnh báo “mức độ tăng trưởng tiềm năng của Mỹ và Anh vẫn thấp hơn so với con số đầu năm 2000 tại các quốc gia phương Tây.
Ông còn nhận xét thêm trong những năm tới tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức đảm bảo từ 6 đến 7%. “Trung Quốc sẽ còn lớn mạnh hơn nữa. Không nên đánh giá thấp sự phát triển của quốc gia này.”
Phương pháp PPP còn đánh giá Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 3, theo sau là Nhật Bản vị trí thứ 4 và Đức thứ 5. Nga, Brazil, Pháp, Indonesia và Anh lần lượt xếp hạng trong top 10.
Rất nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng PPP là phương pháp công bằng nhất để xếp hạng nền kinh tế các nước vì phương pháp này dựa trên giá sinh hoạt và mức sống tại nhiều nước khác nhau. Ví dụ, tại các quốc gia kém phát triển hơn, tuy tiền lương thấp nhưng hàng hóa và dịch vụ cũng rẻ hơn so với các quốc gia phát triển, chính điều này ảnh hưởng đến việc so sánh sức mua cá nhân tại các nước.
Hồng Hạnh (theo D.M)